02/06/2023 09:49
CHẬT VẬT TÌM NƠI TIÊU THỤ
Ông Nguyễn Song Kiên, ngụ ấp Giồng Kè, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) là thương lái thu mua tôm cho biết, giá tôm nguyên liệu đầu tháng 5 đến nay liên tục giảm mạnh. Đối với tôm phục vụ chế biến, các công ty mua vào số lượng cầm chừng với giá rất thấp. Đối với tôm nguyên liệu xuất sang Campuchia tiểu thương đang ngưng mua. Hiện ông Kiên chỉ thu mua tôm cầm chừng để giữ mối, mỗi ngày khoảng 400-500kg.
Theo ghi nhận ngày 31-5, tôm thẻ chân trắng được thu mua tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, giá giảm khoảng 10.000-40.000 đồng/kg so tháng 4-2023. Cụ thể, tôm loại 100 con/kg giá 83.000 đồng, giảm 10.000 đồng/kg. Tôm loại 20 con/kg giá chỉ còn 185.000 đồng, giảm khoảng 40.000 đồng/kg. Tôm loại 30 con/kg giá 111.000 đồng, giảm 20.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá tôm nguyên liệu giảm mạnh từ tháng 4 do lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp cao, nguồn cung tôm nguyên liệu tăng, nhu cầu thị trường xuất khẩu thu hẹp do lạm phát, căng thẳng chính trị trên thế giới. Thêm vào đó, doanh nghiệp chế biến khó tiếp cận nguồn vốn để quay vòng sản xuất, mua tôm nguyên liệu dự trữ.
Thương lái xem chất lượng tôm trước khi thu mua của hộ dân nuôi tôm tại ấp Giồng Kè, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang).
Tình hình tôm nguyên liệu dội hàng khiến không ít người nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh lâm vào cảnh khó khăn, chật vật tìm nơi thu mua. 10 ngày qua, ông Trịnh Hoàng Hải, ngụ ấp Vạn Thanh, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất gọi điện thoại khắp nơi để tìm thương lái chịu thu mua tôm. Hiện ông Hải còn 3 ao tôm thẻ chân trắng nuôi siêu thâm canh đã đến thời điểm thu hoạch vẫn chưa bán được.
“Tôi còn gần 8 tấn tôm chưa bán được. Thương lái đã bắt mẫu, thỏa thuận giá xong, hẹn ngày kéo tôm, nhưng đến hẹn lại không chịu mua. Ước tính chi phí vụ tôm này gần 500 triệu đồng, với giá tôm hiện tại, nếu bán được tôi chỉ mong lấy được tiền vốn đầu tư”, ông Hải nói.
CÀNG NUÔI CÀNG LỖ
Theo nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn các huyện Kiên Lương, Giang Thành, Hòn Đất và TP. Hà Tiên, chi phí sản xuất tôm công nghiệp khá lớn gồm chi phí thức ăn nuôi tôm, thuốc thủy sản, con giống, điện, nhân công… Ước tính giá thành sản xuất một ký tôm gần 70.000-80.000 đồng. Thời gian nuôi một vụ tôm từ 2-3 tháng, nếu gặp thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh xảy ra, tôm sẽ chậm lớn, tỷ lệ hao hụt cao.
Giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi chi phí thức ăn, con giống, thuốc đều tăng, giá thành tôm nuôi hiện rất cao, người nuôi sẽ không có lãi. “Giá thức ăn hiện dao động 30.000-34.000 đồng/kg, tăng khoảng 3.000-5.000 đồng/kg so đầu năm 2023. Để nuôi tôm từ kích cỡ 50 con/kg về 30-40 con/kg, việc chờ giá tôm tăng trở lại là không khả thi. Do giai đoạn này tôm chậm lớn, chi phí thức ăn quá cao, càng nuôi sẽ càng lỗ”, ông Trịnh Hoàng Hải phân tích.
Nhận thấy tôm đang giảm giá mạnh, người nuôi tôm công nghiệp thận trọng hơn trong việc thả nuôi vụ mới. Dự báo thời gian tới mưa nhiều, không thuận lợi cho tôm phát triển, dịch bệnh trên tôm còn diễn biến phức tạp, nhiều hộ nuôi tôm sau khi thu hoạch vẫn e dè, chưa đầu tư vụ mới. Một số hộ giảm mật độ thả nuôi, giảm số lượng ao nuôi nhằm giảm thiểu rủi ro.
Anh Nguyễn Hoàng Việt, ngụ ấp Vạn Thanh, xã Thổ Sơn vừa thu hoạch xong vụ tôm đầu tiên năm 2023, sản lượng gần 8 tấn, giá bán chỉ 70.000 đồng/kg. Do thời tiết không thuận lợi, tôm chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài dẫn đến chi phí tăng cao nên anh chỉ huề vốn. “Thị trường tôm nguyên liệu ảm đạm, chưa có dấu hiệu phục hồi, tôi chưa dám thả giống vụ mới bởi giá thức ăn nuôi tôm quá cao, trong khi rủi ro quá lớn, nuôi không có lợi nhuận”, anh Việt nói.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Kiên Giang, đợt triều cường tháng 12-2024 sẽ xuất hiện từ ngày 16 đến 18-12, nguy cơ gây ngập úng và mặn xâm nhập vào nội đồng. Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang tiến hành vận các cống chống ngập úng và kiểm soát mặn.
Tổng số lượt truy cập: