24/02/2021 15:10
Năm 2013, Huỳnh Đỗ Mỹ Tú tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành trồng trọt. Những ngày thực tập tại Đà Lạt đã khiến cô gái sinh năm 1990 yêu mảnh đất cao nguyên và ở lại làm quản lý khách sạn theo lời mời của một doanh nghiệp. Trong thời gian này, Tú được tham quan nhiều trang trại trồng rau quả và tham gia quản trị group Facebook “Hội trồng rau sạch tại nhà” với hơn 300.000 thành viên.
Vốn là con nông dân nên Tú có niềm đam mê đặc biệt với các mô hình trồng trọt, nhất là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ tự động giúp tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất. Vì thế, khi trở về quê nhà năm 2019, Tú thuyết phục ba mẹ cho cải tạo một phần mảnh vườn toàn bạch đàn và lau sậy để lập nhà lưới 30m2 trồng cà chua, dưa leo theo đam mê của riêng mình. Ban đầu, Tú trồng dưa leo baby và cà chua nova. Đây là hai giống cây trồng có thời gian sinh trưởng chỉ hơn 1 tháng là cho thu hoạch nên không bao lâu Tú đã có nguồn nông sản sạch cho gia đình và xóm giềng.
Tháng 11-2020, Mỹ Tú quyết định trồng thử nghiệm dưa lưới, loại cây trồng trong huyện chưa ai trồng thành công do không phù hợp với đất nhiễm mặn địa phương. Tuy nhiên, với thời gian làm việc gần như xuyên suốt tại cơ quan nhà nước, Tú không thể trồng trên đất thịt phải tốn nhiều công đoạn xử lý. Sau khi mày mò đọc tài liệu trên mạng internet, học hỏi kinh nghiệm từ những thành viên của “Hội trồng rau sạch tại nhà”, Tú chọn cách trồng dưa trên giá thể xơ dừa, tưới tự động điều khiển bằng smartphone nhằm tiết kiệm thời gian.
Huỳnh Đỗ Mỹ Tú bên vườn dưa lưới dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Qua sự hỗ trợ của những người bạn, Tú học cách tự ủ các loại phân hữu cơ để đảm bảo dinh dưỡng cho giàn dưa lưới. Từ khi hoa thụ phấn đến lúc thu hoạch, Tú tưới thêm phân được ủ từ trứng gà và sữa tươi, giúp tạo hương vị thơm ngọt tự nhiên cho dưa lưới. Để làm được loại dung dịch này, Tú chuẩn bị 150 quả trứng gà với 50 lít sữa tươi gần hết hạn sử dụng để giảm chi phí.
Tú còn sử dụng thêm mật rỉ đường, sữa chua, men vi sinh và chế phẩm khử mùi hôi. Trứng sau khi được đánh tan trong thùng to, cho sữa vào khuấy tan rồi đổ các thành phần còn lại vào. Trong quá trình ủ, hỗn hợp được khuấy đều mỗi ngày và giảm dần tần suất đến khi sử dụng được. Sau một tháng, dung dịch trứng sữa có thể bón trực tiếp lên cây, pha loãng với nước theo tỷ lệ định sẵn để phun vào gốc và qua lá. Phân được tưới sau thời điểm hoa thụ phấn và bón định kỳ hàng tuần.
“Hạt giống dưa lưới được nhập từ nước ngoài. Khi chăm sóc đúng quy trình sau 1 tuần thụ phấn dưa sẽ to cỡ trái cam, lúc này tôi bắt đầu khắc thư pháp như phúc, lộc, thọ hay an khang, thịnh vượng lên trái. Đường khắc không quá sâu nhằm tránh trái bị nứt và cũng không được quá cạn sẽ không làm nổi chữ khi dưa đến kỳ thu hoạch”, Tú chia sẻ.
Nhờ có chế độ dinh dưỡng, đúng quy trình kỹ thuật nên dưa lưới trong vườn có vị ngọt đậm, mùi thơm đặc trưng, khi bổ ra, mật từ trái dưa tươm ra tạo sự hấp dẫn, kích thích vị giác người dùng. Sau hơn 2 tháng trồng thử nghiệm, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, Tú thu hơn 130kg trái mùa đầu tiên, mỗi trái nặng từ 1,5-3kg. Tú dành 10 trái đẹp nhất bán đấu giá trên mạng internet lấy tiền ủng hộ người già neo đơn và các em nhỏ khó khăn tại địa phương.
Nói về những dự định sắp tới, Tú cho biết đang ươm hạt giống dưa lưới để tiếp tục cho vụ tiếp theo. Dự kiến khi dưa lưới cho thu hoạch cũng là thời điểm những gốc nho có nguồn gốc ngoại nhập cho lứa trái đầu tiên.
Mỹ Tú chia sẻ: “Tôi đang cho múc vuông để thả cá, trồng các loại rau đồng, ở trên sẽ là giàn nho. Tôi mong sẽ thực hiện được mô hình homestay phục vụ du khách thích trải nghiệm, lúc đó sẽ liên kết với bà con nông dân quê tôi cung cấp tôm, cua, gạo sạch, như một cách để giới thiệu đặc sản vốn được sản xuất theo quy trình an toàn đến mọi người”.
Bài và ảnh: ĐÔNG HƯNG
(KGO) - Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Kiên Giang, đợt triều cường tháng 12-2024 sẽ xuất hiện từ ngày 16 đến 18-12, nguy cơ gây ngập úng và mặn xâm nhập vào nội đồng. Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang tiến hành vận các cống chống ngập úng và kiểm soát mặn.
Tổng số lượt truy cập: