29/07/2024 08:57
Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, người lao động, do người lao động tự nguyện lập ra nhằm tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh. Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn, vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam không ngừng phát triển, mở rộng. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vai trò của Công đoàn Việt Nam thể hiện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa, xã hội.
Tại Kiên Giang, tháng 4-1976 Tỉnh ủy quyết định thành lập tổ chức Công đoàn tỉnh, đồng chí Dương Tấn Phát - Tỉnh ủy viên làm thư ký Công đoàn lâm thời. Đến cuối năm 1976, toàn tỉnh xây dựng được 3 Công đoàn ngành, 62 công đoàn cơ sở, với khoảng 6.000 đoàn viên.
Ngày 25-7-1977, Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh lần thứ I, nhiệm kỳ 1977-1980; 220 đại biểu đại diện cho khoảng 6.000 đoàn viên Công đoàn và gần 30.000 người lao động tham dự. Đến nay, Công đoàn tỉnh tổ chức 11 kỳ đại hội đại biểu, mỗi kỳ đại hội là mốc son khẳng định sự lớn mạnh của giai cấp công nhân và sự phát triển bền vững của các tổ chức Công đoàn trong tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung (thứ tư, từ trái qua); Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang Trương Thanh Thúy (thứ năm, từ trái qua) tặng quà đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại lễ phát động tháng công nhân năm 2024. Ảnh: BẢO HÂN
Đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động ngày càng có bản lĩnh về chính trị, tư tưởng vững vàng; có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái; gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công nhân, người lao động hăng hái thi đua lao động, sản xuất, nâng cao tay nghề, nhất là lực lượng công nhân, người lao động ở các ngành, nghề như chế biến thủy sản, xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch… góp phần trực tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và sự phát triển của tổ chức Công đoàn.
Toàn tỉnh Kiên Giang có 11.421 doanh nghiệp đang hoạt động, với vốn đăng ký trên 197.600 tỷ đồng, lực lượng công nhân, viên chức, người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn là 79.425.
Trải qua 48 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển (1976-2024), với 11 kỳ đại hội, Công đoàn Kiên Giang thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Đồng thời, tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ đó công nhân, viên chức, người lao động tin tưởng, gắn bó với tổ chức Công đoàn, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm xây dựng quê hương giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hạnh phúc.
Thời gian tới, Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Công đoàn các cấp; đẩy mạnh phát triển đoàn viên trong các thành phần kinh tế; nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, hiệu quả hoạt động của cán bộ Công đoàn; xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh. Các cấp Công đoàn tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; thực hiện tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với đội ngũ công nhân, người lao động, góp phần xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang Trương Thanh Thúy trao quà cho người lao động.
Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, đẩy mạnh các hoạt động đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng và chăm lo lợi ích thiết thực cho người lao động; phát động phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát triển sản xuất, bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện điều kiện làm việc; động viên đoàn viên, người lao động vượt qua khó khăn, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhiệm kỳ 2023-2028, Liên đoàn Lao động tỉnh đặt mục tiêu có 90.000 Công đoàn viên trở lên; phấn đấu ít nhất 85% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn đủ điều kiện đại diện, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật; phấn đấu 75% số vụ việc của đoàn viên, tổ chức Công đoàn có nhu cầu tư vấn, tranh tụng về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng sẽ có đại diện Công đoàn tham gia hoặc được Công đoàn hỗ trợ.
Liên đoàn Lao động tỉnh phấn đấu có 90% trở lên công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đủ điều kiện thành lập ban nữ công quần chúng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; 100% Công đoàn cấp trên cơ sở thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động trên không gian mạng; 75% trở lên đoàn viên sử dụng thành thạo các dịch vụ công trực tuyến có liên quan đến chế độ, chính sách đối với người lao động.
Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai thực hiện các khâu đột phá gồm tập trung thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, trọng tâm là đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể trong các đơn vị, doanh nghiệp; đổi mới phương thức hoạt động của các cấp Công đoàn trong tỉnh, trọng tâm là thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Công đoàn.
Công đoàn các cấp xác định đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đoàn viên, người lao động là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là hoạt động thường xuyên, cần ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực. Chủ động tham gia đóng góp các chính sách liên quan đến đoàn viên, người lao động, quan tâm chính sách đối với lao động nữ, người lao động làm việc ở những ngành nặng nhọc, độc hại...; nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của người lao động, tình hình quan hệ lao động, sản xuất, kinh doanh, thực hiện chế độ, chính sách của doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217/QĐ-TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, người lao động.
Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đoàn viên, người lao động.
Tăng cường bảo vệ các giá trị của Công đoàn Việt Nam và nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, nghề nghiệp, hiểu biết các chế độ, chính sách có liên quan đến người lao động. Tuyên truyền, vận động, khuyến khích đoàn viên, người lao động tích cực học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp để thích ứng với điều kiện lao động và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp Công đoàn vận động đoàn viên tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lao động giỏi, lao động sáng tạo; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; giỏi việc nước, đảm việc nhà; xanh, sạch, đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với cuộc vận động xây dựng cán bộ, công chức, viên chức trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo; xây dựng phụ nữ Việt Nam thời đại mới; phong trào thi đua “Dân vận khéo”…
Công đoàn các cấp nâng cao chất lượng công tác nữ công; thực hiện bình đẳng giới; tăng cường chăm lo, bảo vệ quyền lợi của lao động nữ, tăng cường phối hợp với ban vì sự tiến bộ của phụ nữ và hội phụ nữ cùng cấp thực hiện hiệu quả việc lồng ghép hoạt động của hội phụ nữ với hoạt động nữ công; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 12b/NQ-BCH, ngày 12-7-2017 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về ban nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Quan tâm xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, vận động thu hút người lao động tại doanh nghiệp vào Công đoàn Việt Nam gắn với thực hiện tốt công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Chú trọng phát triển đoàn viên trong công nhân trực tiếp sản xuất khu vực ngoài nhà nước, người lao động khu vực phi chính thức, lao động công nghệ… tiến tới thành lập công đoàn khu công nghiệp trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh.
Các cấp Công đoàn tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn, gắn với thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Mỗi cấp Công đoàn cần thực hiện tốt việc phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
TRƯƠNG THANH THÚY
Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang
(KGO) - Ngày 29-11, Tỉnh đoàn Kiên Giang tổ chức cuộc thi chung kết khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024, với 15 dự án tham gia vòng cấp tỉnh.
Tổng số lượt truy cập: