21/08/2024 13:54
Bài 1: Phát huy vai trò các tổ chức tôn giáo
Nhiệm kỳ 2019-2024, Mặt trận các cấp trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào các tôn giáo thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước, tham gia công tác từ thiện, an sinh xã hội.
NHỮNG NGHĨA CỬ CAO ĐẸP
Mỗi tháng một lần, chùa Xà Xiêm Mới, xã Bình An, huyện Châu Thành phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam xã Bình An tổ chức tặng hàng trăm suất gạo cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn ấp. Với 97% hộ dân là đồng bào dân tộc Khmer, ấp Xà Xiêm có nhiều hộ đời sống còn khó khăn do ít đất sản xuất, bệnh tật, người già neo đơn... Sự trợ giúp của chùa Xà Xiêm Mới về gạo, nhu yếu phẩm phần nào san sẻ một phần khó khăn trong cuộc sống của các hộ nghèo khó.
Bà Thị Bé Năm (70 tuổi), ngụ ấp Xà Xiêm cho biết: “Tôi được chùa Xà Xiêm Mới cho gạo ăn hàng tháng, mỗi dịp lễ, tết đều có quà từ chính quyền và nhà chùa nên thấy được động viên lắm. Nhớ hồi dịch COVID-19 bùng phát, chùa không chỉ tặng gạo ăn mà còn cho thuốc, khẩu trang, thực phẩm giúp gia đình tôi vượt qua dịch bệnh".
Thượng tọa Danh Chui (bìa phải) - trụ trì chùa Xà Xiêm Mới, xã Bình An, huyện Châu Thành tặng quà cho người nghèo trong xã. Ảnh: ĐẶNG LINH
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang Lê Thanh Việt cho biết phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, Mặt trận các cấp đã phát huy tốt vai trò của các tổ chức tôn giáo trong công tác an sinh xã hội và chăm lo cho người nghèo.
“Hai năm 2020 và 2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các tổ chức tôn giáo trong tỉnh và đồng bào tín đồ các tôn giáo đã thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao với đất nước, với nhân dân bằng những nghĩa cử cao đẹp, với nhiều đóng góp to lớn về con người, vật chất và tinh thần, góp phần cùng chính quyền và nhân dân kiểm soát tình hình dịch bệnh và ổn định lao động, sản xuất. Chức sắc, chức việc, đồng bào các tôn giáo ủng hộ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở địa phương; tặng hàng triệu suất ăn miễn phí cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân có hoàn cảnh khó khăn”, đồng chí Lê Thanh Việt nói.
HÀNG TRĂM TỶ ĐỒNG LÀM TỪ THIỆN
Không chỉ tặng gạo, các chùa trên địa bàn huyện Châu Thành còn vận động phật tử, nhà hảo tâm tài trợ học bổng, dụng cụ học tập, bảo hiểm y tế cho người nghèo, góp phần chăm lo công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Không chồng con, bà Hồ Thị Công (56 tuổi), ngụ ấp Minh Long, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành cưu mang người chị Hồ Thị Len nằm liệt giường sau cơn bạo bệnh. Khoản thu nhập bấp bênh từ việc làm thuê không thể giúp bà Công mua chiếc xe lăn cho chị mình di chuyển nhằm hạn chế chứng viêm phổi vì nằm trên giường nhiều ngày. “Được ban quản trị chùa Khoen Tà Tưng vận động nhà hảo tâm tài trợ nên chị tôi được tặng xe lăn. Hai chị em mừng lắm vì từ nay chị được ra ngoài tắm nắng, hạn chế lở loét ở lưng như lời bác sĩ khuyên lâu nay”, bà Công nói.
Chư tăng và phật tử tham gia làm đường giao thông nông thôn xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành. Ảnh: THU OANH
Kiên Giang có 12 tôn giáo với 21 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, với gần 600.000 tín đồ, chiếm khoảng 33,07% dân số và trên 1.580 chức sắc, chức việc, nhà tu hành. Phật giáo Kiên Giang thừa hưởng truyền thống “Đồng hành cùng dân tộc”, tăng, ni và phật tử trên địa bàn tỉnh giữ vững lập trường, phát huy truyền thống đoàn kết, hòa hợp, độc lập dân tộc, góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ, giàu mạnh.
Thượng tọa Thích Minh Nhẫn - Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang cho biết giai đoạn 2017-2023 Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh triển khai các chương trình, phát động trợ giúp các hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh như chương trình “Xuân yêu thương” và “Tết Trung thu cùng trẻ em vùng quê”, hỗ trợ cho các cụ già cô đơn; nuôi dạy trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Trung tâm Từ thiện xã hội Phật Quang từ mẫu giáo đến đại học… Năm 2023, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã thực hiện các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội với tổng kinh phí khoảng 68,2 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang Phạm Thanh Hùng, Mặt trận các cấp thường xuyên tổ chức tốt các hoạt động gặp mặt, thăm hỏi, động viên các chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu có uy tín trong các dân tộc thiểu số, kịp thời nắm tâm tư, nguyện vọng để kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt công tác dân tộc, công tác tôn giáo. Mặt trận phối hợp hướng dẫn các tổ chức tôn giáo hoạt động theo tôn chỉ, mục đích và quy định của pháp luật; tổ chức các lễ hội trong đồng bào dân tộc; tổ chức tốt đại hội nhiệm kỳ và các ngày lễ trọng của các tôn giáo, tham gia các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội.
Linh mục Lê Xuân Đỉnh (giữa) - Chánh xứ giáo xứ Tân Long, xã Tân Hiệp A , huyện Tân Hiệp cùng cán bộ Mặt trận xã Tân Hiệp A thăm các trẻ mồ côi được giáo xứ Tân Long nuôi dạy. Ảnh: THU OANH
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang Lê Thanh Việt cho biết: “5 năm qua, các tổ chức tôn giáo đã ủng hộ hàng trăm tỷ đồng để chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh; tài trợ hàng ngàn căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, xây dựng hàng trăm cầu giao thông nông thôn, hỗ trợ học sinh nghèo, phát thuốc và khám, chữa bệnh miễn phí…”. |
Nhắc đến hoạt động từ thiện, nhân đạo của các tổ chức tôn giáo, chúng tôi thấy ấm lòng khi về giáo xứ Tân Long, tọa lạc ấp Kinh 2A, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp, nơi đây đang nuôi 5 trẻ em mồ côi. Có những phụ nữ mang thai nhưng không có điều kiện kinh tế để sinh con, trong lúc đó họ đã tìm đến giáo xứ để được giúp đỡ. Giáo xứ Tân Long đứng ra chăm sóc để các chị được dưỡng thai, sinh con và nhận nuôi các trẻ.
Linh mục Lê Xuân Đỉnh - Chánh xứ Giáo xứ Tân Long cho biết: “Có những người mẹ trong quá trình mang thai gặp khó khăn hay có những hoàn cảnh do nghèo khó mà người không có khả năng để nuôi các cháu nhỏ nên giáo xứ đứng ra nhận nuôi các cháu và cho các cháu học tập”.
Không chỉ riêng giáo xứ Tân Long thấm nhuần phương châm tốt đời đẹp đạo mà những năm qua Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với cộng đồng. 5 năm qua, đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh tổ chức hàng chục trường, lớp mẫu giáo do các nữ tu trực tiếp giảng dạy; tham gia đóng góp quỹ khuyến học, sửa chữa trường lớp, hiến đất làm trường học, tặng học bổng cho học sinh nghèo; tặng xe lăn cho người tàn tật, hỗ trợ bệnh nhân nghèo… với kinh phí gần 35 tỷ đồng.
THU OANH - ĐẶNG LINH
(KGO) - Ngày 29-11, Tỉnh đoàn Kiên Giang tổ chức cuộc thi chung kết khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024, với 15 dự án tham gia vòng cấp tỉnh.
Tổng số lượt truy cập: