01/09/2022 16:15
Nhận thấy tầm quan trọng trong việc giữ gìn vệ sinh gia đình cũng như môi trường sống, các cấp hội liên hiệp phụ nữ trong tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều đợt truyền thông về chống rác thải nhựa gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…
Tại các buổi truyền thông, hội viên, phụ nữ và người dân được cung cấp thông tin về thực trạng vấn đề rác thải nhựa tại địa phương và giải pháp phòng, chống rác thải nhựa từ gia đình nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa dùng một lần và túi nylon gây ra.
Các hoạt động trên góp phần nâng cao nhận thức, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân hạn chế sử dụng túi nylon và sản phẩm nhựa dùng một lần để giữ gìn vệ sinh môi trường, thay đổi thói quen của bản thân và thành viên trong gia đình về việc sử dụng sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.
Đồng chí Nguyễn Thị Hòa Hiệp - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang cho biết: “Nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên cho hội viên phụ nữ, các cấp hội xây dựng mô hình phù hợp thực tế của địa phương nhằm thu hút phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường. Qua đó xuất hiện nhiều mô hình câu lạc bộ, tổ, nhóm bảo vệ môi trường như tổ, nhóm hạn chế sử dụng túi nylon, tổ phụ nữ đổi rác thải nhựa lấy nhu yếu phẩm, tổ phụ nữ thực hiện tuyến đường không rác, xây dựng hố đốt rác gia đình... duy trì sinh hoạt thường xuyên, phát huy hiệu quả trong phòng, chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường”.
Ngày nào cũng vậy, trước khi nấu bữa sáng cho gia đình, công việc đầu tiên của chị Cao Thị Phơi, ngụ khu phố 1, phường Vĩnh Thông, TP. Rạch Giá là quét nhà, sân vườn. Toàn bộ rác thải trong ngày được chị thu gom, tập kết rác đúng chỗ để chờ người thu gom. Từ đầu năm 2022, thực hiện hướng dẫn của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, chị Phơi có thêm phần việc là phân loại và hướng dẫn thành viên trong gia đình thực hiện phân loại rác thải, xử lý rác thải bằng chế phẩm vi sinh bản địa.
Chị Phơi chia sẻ: “Ban đầu thực hiện xử lý rác thải bằng chế phẩm vi sinh bản địa khó vì tôi quen với cách làm cũ, nhiều lúc tôi tiện tay vứt vào thùng rác. Khi đã quen tôi thấy rất thuận tiện, chưa kể việc phân loại rác giúp tận dụng một số phế thải, giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường...”.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện An Biên tặng thùng rác nhựa cho thành viên tham gia câu lạc bộ phân loại rác thải tại hộ gia đình xã Nam Thái A, huyện An Biên.
Đổi rác thải nhựa lấy nhu yếu phẩm là mô hình được các cấp hội phụ nữ thực hiện thời gian qua, góp phần xây dựng ý thức hội viên phụ nữ, người dân sống ngày càng xanh, sạch, đẹp. Nhiều tổ chức hội cơ sở tổ chức luân phiên ở từng ấp, kết hợp mở điểm nhận rác thải cho hội viên đổi nước tương, dầu ăn, trà, các loại gia vị...
“Vừa qua, hội tổ chức vận động thành lập 2 điểm thu gom rác thải nhựa đổi nhu yếu phẩm theo hình thức 1kg rác thải nhựa đổi nhu yếu phẩm giá trị tương đương 10.000 đồng, qua đó hỗ trợ cho 20 lượt hộ gia đình ở địa phương đổi nhu yếu phẩm. Việc thành lập mô hình có ý nghĩa thiết thực, được hội viên phụ nữ và nhân dân hưởng ứng, góp phần chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng sản phẩm từ nhựa và tình trạng vứt rác bừa bãi tại địa phương”, đồng chí Thị Thu Ngà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nam Du, huyện Kiên Hải nói.
Được chọn là đơn vị thực hiện điểm mô hình phân loại và xử lý rác thải bằng men vi sinh bản địa, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Vĩnh Thông có cách làm hay, sáng tạo thực hiện hiệu quả mô hình và đạt kết quả đáng ghi nhận. Hội tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình trên địa bàn phường, qua đó vận động 50 hộ gia đình đăng ký tham gia, trong đó có 25 hộ gia đình tham gia câu lạc bộ xử lý rác thải bằng men vi sinh bản địa.
Để mô hình hiệu quả, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Vĩnh Thông tích cực truyền thông nâng cao nhận thức, thói quen của người dân về phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp sử dụng men vi sinh; hướng dẫn cách làm và sử dụng men vi sinh bản địa.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Vĩnh Thông cho biết: “Với quyết tâm thực hiện thành công mô hình, hội sâu sát theo dõi, hướng dẫn các hộ tham gia. Khó khăn phát sinh, vướng mắc ở cơ sở được tháo gỡ và xử lý kịp thời. Từ hiệu quả của mô hình, Hội tiếp tục triển khai thực hiện tại 4 khu phố còn lại nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến thay đổi hành vi, thói quen của người dân, nhất là hội viên phụ nữ về phân loại rác thải và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, bảo vệ môi trường...”.
Với sự phong phú về hình thức và đa dạng về nội dung trong công tác tuyên truyền, cùng với nhiều mô hình, hoạt động thiết thực, hiệu quả, các cấp hội tạo nên phong trào bảo vệ môi trường có sức lan tỏa sâu rộng. Không chỉ giữ gìn môi trường sống, các hoạt động còn góp phần tích cực vào phong trào phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương và xây dựng nếp sống văn minh.
Bài và ảnh: THỦY TIÊN
(KGO) - Ủy ban sông Mekong Việt Nam khuyến cáo các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin về diễn biến nguồn nước trên các sông, kênh trong thời kỳ đầu mùa khô để chủ động điều tiết nước ngọt cho sản xuất.
Tổng số lượt truy cập: