05/03/2024 13:40
15h chiều 3-3, cống Cái Lớn thuộc hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được lệnh vận hành đóng để kiểm soát mặn, bảo vệ sản xuất và nước sinh hoạt của người dân. Cùng thời điểm này, nhân viên kỹ thuật cũng tiến hành đóng cống Cái Bé để đảm bảo việc khép kín ngăn mặn.
Trước khi vận hành cống Cái Lớn, anh Nguyễn Văn Nhuận - nhân viên kỹ thuật cùng nhiều đồng nghiệp tiến hành kiểm tra các trụ, trạm, hệ thống điện, xi lanh thủy lực…
Anh Nguyễn Văn Nhuận kiểm tra điều kiện kỹ thuật trước khi vận hành cống Cái Lớn chiều ngày 3-3.
Khi nhận định đủ điều kiện, anh Nhuận thông báo về phòng điều hành SCADA. Tại đây, nhân viên kỹ thuật thực hiện thao tác vận hành cống Cái Lớn bằng hệ thống điện tử chuyên biệt. Các cửa van cống lần lượt được hạ xuống, đạt vận tốc trung bình 0.6m/phút.
Nhân viên kỹ thuật phòng điều hành SCADA thực hiện thao tác vận hành cống Cái Lớn.
“So với một vài năm trước, tình trạng xâm nhập mặn đầu năm 2024 diễn biến khá phức tạp. Nước mặn xâm nhập sớm nên chúng tôi vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé sớm. Đây cũng là lần thứ hai kể từ sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, chúng tôi vận hành cống để kiểm soát tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn”, anh Lê Tường Minh - Phó Giám đốc Chi nhánh ĐBSCL Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam - đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành các công trình đầu mối trong hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, cho biết.
Thông thường, việc vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được thực hiện theo kế hoạch mùa, hoặc kế hoạch tháng. Tuy nhiên, trong những điều kiện thời tiết cực đoan như nắng kéo dài, mưa bão, triều cường dâng cao bất thường… công trình phải vận hành đột xuất để ứng phó.
Nhân viên kỹ thuật giám sát hành trình vận hành cửa van cống Cái Lớn.
Hiện tại, cống Cái Lớn vận hành 7/11 cống kiểm soát mặn. Nếu tình trạng xâm nhập mặn tăng cao và gay gắt hơn, cống sẽ vận hành 9 hoặc 11 cống. Khi đó, tàu thuyền qua lại sẽ được điều tiết di chuyển vào khu vực âu thuyền cống Cái Lớn. Thời gian vận hành trong ngày tùy thuộc vào mực nước triều cường. Khi nước triều lên, nhân viên kỹ thuật tiến hành đóng cống ngăn mặn. Khi nước triều rút, cống sẽ được mở để tiêu mặn.
7/11 cửa cống Cái Lớn được vận hành đóng ngăn mặn vào chiều 3-3.
Còn tại cống Cái Bé, 2/2 cửa cống cũng được lệnh đóng từ 15h chiều 3-3. Tàu thuyền qua lại cống phải vào âu thuyền rộng 15m, vận hành bằng hệ thống xi lanh thủy lực.
Nhân viên kỹ thuật điều hành giao thông tại khu vực âu thuyền cống Cái Bé, sau khi cống này đóng ngăn mặn chiều 3-3.
“Hiện nay vào mùa hạn mặn, chúng tôi duy trì ứng trực 24/24, đồng thời chia 3 ca mỗi ngày để cán bộ, kỹ sư đảm đương công việc. Chúng tôi thường xuyên cập nhật số liệu tại các trạm quan trắc để theo dõi mực nước và độ mặn. Khi độ mặn tại trạm khống chế vận hành (KCVH) cầu Cái Tư có khả năng vượt ngưỡng 1‰ (01 gam/lít), thì cống Cái Lớn sẽ vận hành đóng. Khi độ mặn tại trạm KCVH Trâm Bầu có nguy cơ vượt ngưỡng 1‰, chúng tôi sẽ đóng cống Cái Bé. Việc vận hành cống Cái Lớn - Cái Bé được thực hiện nhanh chóng, chủ động”, anh Lê Tường Minh cho biết.
Do hạ tầng kỹ thuật hạ lưu công trình thấp, một số khu vực trũng thấp thuộc địa bàn huyện An Biên, Châu Thành (Kiên Giang) có thể xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ. Khi triều cường dâng cao người dân cần theo dõi mực nước để chủ động bảo vệ tài sản cây trồng, vật nuôi.
Cống Xẻo Rô cũng thuộc hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Tuy nhiên do hệ thống cống và đê bao ven biển Tây trên địa bàn tỉnh chưa khép kín, nên việc vận hành cống Xẻo Rô chưa mang lại kết quả như mong đợi. Hiện tại, công trình này thường chỉ vận hành khi chính quyền địa phương các huyện An Biên, An Minh (Kiên Giang) có yêu cầu. Mục đích vận hành nhằm làm loãng độ mặn trong nước, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, cho nghề nuôi trồng thủy hải sản của người dân.
Nhân viên kỹ thuật phòng điều hành SCADA cống Cái Lớn phân tích dữ liệu vận hành.
Năm 2024 được dự đoán tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, khó lường. Công tác lập kế hoạch, ra quyết định vận hành hệ thống thủy lợi lớn nhất nước được thực hiện chủ động, dựa trên phân tích dự báo tình hình khí tượng thủy văn của các cơ quan chuyên môn, số liệu thu thập từ hệ thống các trạm quan trắc và tình hình sản xuất của các địa phương. Hạn mặn sẽ diễn biến phức tạp từ nay đến tháng 5-2024 cho đến khi mùa mưa bắt đầu.
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé có 3 công trình cống gồm: Cống Cái Lớn, cống Cái Bé và cống Xẻo Rô. Cống Cái Lớn được triển khai trên địa bàn tỉnh Kiên Giang là công trình cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam, lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện nay.
Toàn cảnh cống Cái Lớn.
Công trình được trang bị hệ thống quan trắc chất lượng nước tự động và hệ thống điều khiển giám sát vận hành (SCADA) hiện đại. Hai cống còn lại trong hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là cống Cái Bé và cống Xẻo Rô cũng được đầu tư với trang thiết bị tốt, công nghệ vận hành hiện đại.
Công tác vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé tuân thủ quy trình vận hành hệ thống, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật đã được ban hành nhằm phát huy hiệu quả công trình, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất của người dân và phòng chống thiên tai trong vùng dự án.
“Tất cả trang thiết bị hiện nay ở cống Cái Lớn đều là những trang thiết bị mới, ứng dụng công nghệ mới mang tầm khu vực, quốc tế. Khi đưa vào vận hành, chúng tôi đã tổ chức những đợt tập huấn cho cán bộ, kỹ sư, công nhân để mọi người nắm bắt quy trình kỹ thuật, hiểu cách vận hành, kiểm tra đảm bảo an toàn. Chúng tôi vừa học, vừa vận hành, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ”, anh Lê Tường Minh nhấn mạnh.
Trang thiết bị cống Cái Lớn được đầu tư chất lượng, hiện đại, tự động hóa.
Cống Cái Lớn hiện có 3 phương thức vận hành, gồm: Vận hành tại phòng điều hành SCADA, vận hành trực tiếp tại các trụ cống và vận hành bằng thao tác lệnh trên webstie. Hiện nay, nhân viên kỹ thuật cống Cái Lớn thường thường sử dụng phương thức vận hành cống tại phòng điều hành SCADA.
Tại đây, nhân viên kỹ thuật sẽ thực hiện việc đóng hoặc mở cửa van cống bằng hệ thống điện tử hiện đại. Phương thức vận hành này được những kỹ sư làm việc tại cống Cái Lớn đánh giá là nhanh chóng và rất thuận tiện.
Cán bộ, nhân viên kỹ thuật cống Cái Lớn thường xuyên học tập, trao đổi kiến thức, kỹ năng trong vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.
Cũng theo anh Lê Tường Minh, công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là công trình thủy lợi lớn có tính chất kỹ thuật đặc biệt phức tạp. Do đó, hàng năm công ty đều tổ chức để cán bộ, nhân viên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật vận hành, huấn luyện an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy và bảo trì công trình. Khi có những vấn đề phát sinh trong vận hành, đơn vị chủ động liên hệ với các nhà thầu thi công, lắp đặt thiết bị để đưa ra giải pháp xử lý, từng bước làm chủ công nghệ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết: “Sau hơn 2 năm đi vào vận hành, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã phát huy hiệu quả trong việc kiểm soát nguồn nước, phục vụ tốt cho sản xuất và hỗ trợ việc bố trí sản xuất ổn định cho các địa phương, vùng hưởng lợi của dự án. Tại Kiên Giang, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống hạn mặn, đảm bảo an toàn sản xuất và nước sinh hoạt cho hơn 240.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của 7 huyện trong tỉnh”.
Tính riêng năm 2023, đơn vị vận hành công trình đã thực hiện 16 kế hoạch vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Đặc biệt trong tháng 4 và tháng 5-2023 khi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn bước vào cao điểm, đơn vị quản lý đã thực hiện vận hành đồng thời cụm cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô để tiêu rút mặn trong nhiều ngày. Qua đó giúp các địa phương trong vùng dự án điều tiết nước, kiểm soát tình trạng xâm nhập mặn khá hiệu quả.
Toàn cảnh khu nhà quản lý vận hành, phía sau là công trình cống Cái Lớn.
Công trình đưa vào sử dụng đã giúp cho tỉnh Kiên Giang tiết kiệm hàng chục tỷ đồng kinh phí đắp đập tạm ngăn mặn trong mùa khô. Bên cạnh đó, việc vận hành đồng bộ các cống trong hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, kết hợp với việc vận hành các cống do tỉnh quản lý, đã đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất lúa vụ mùa, vụ đông xuân, phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện các huyện Châu Thành, An Biên, An Minh, Gò Quao, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận.
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giúp điều tiết nguồn nước, kiểm soát hạn mặn trong vùng dự án rộng lớn.
Bên cạnh đó, công trình góp phần ổn định các mô hình sinh kế trong vùng dự án rộng lớn. Trong đó có nhiều mô hình hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần so với trước khi công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đi vào hoạt động như: Mô hình tôm - lúa, tôm - khóm, mô hình lúa 2 vụ chất lượng cao….
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là công trình cầu kết hợp cống, góp phần kết nối giao thông giữa các địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đồng chí Lê Hữu Toàn, trong quá trình vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé nhận thấy vẫn còn một số hạn chế, trong đó nổi lên đó là việc ngập úng khu vực phía hạ lưu cống Cái Lớn, Cái Bé do hạ tầng chưa được đầu tư. Các cụm công trình thuộc hệ thống cống ven biển An Biên, An Minh chưa đồng bộ, chưa khép kín… nên chưa phát huy hết hiệu quả của toàn hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.
Để công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phát huy được hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có kế hoạch phối hợp với UBND hai huyện Châu Thành, An Biên thực hiện đầu tư nâng cấp hạ tầng khu vực phía hạ lưu cống, chống ngập úng cho người dân.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ các hệ thống công trình, sớm hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng các cống trên tuyến đê biển Tây, hoàn chỉnh kết nối với hệ thống hạ tầng thủy lợi Cái lớn - Cái Bé (trong đó có cống Xẻo Rô) để đảm bảo phát huy đồng bộ, đạt hiệu quả vận hành công trình.
(KGO) - Theo Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang dự báo đến 13 giờ ngày 1-10, bão Krathon có khả năng đi vào Biển Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 15, giật cấp 17. Trong 24 - 48 giờ tới, thời tiết khu vực tỉnh Kiên Giang sẽ có mưa dông.
Tổng số lượt truy cập: