10/02/2023 10:37
Xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang chọn triển khai thí điểm mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn bằng chế phẩm sinh học IMO khu vực nông thôn.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc khoảng 5,4 tấn/ngày.
Hiện công tác thu gom rác thải tại xã do ban quản lý chợ xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc và các công trình công cộng thị trấn Gò Quao thực hiện, thu gom tại trung tâm xã, khu vực chợ, khu dân cư tập trung. Tổng số hộ được tổ chức thu gom là 391 hộ, tần suất thu gom 3 lần/tuần, khoảng 1,8 tấn/tuần, tương đương 0,26 tấn/ngày, chiếm 4,64% tổng lượng rác thải phát sinh trên địa bàn xã.
Các khu vực chưa thu gom được rác thải, UBND xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, các đoàn thể vận động người dân xây lò đốt rác tại hộ gia đình. Hiện trên địa bàn xã có 1.020 hộ dân sử dụng lò đốt rác với tổng số 615 lò, đạt 28,9% tổng số hộ dân; có 736 hộ dân đào hố xử lý rác thải, đạt 20,9%; có 1.147 hộ dân đốt rác phía sau vườn nhà, đạt 32,5%...
Ông Trần Văn Vĩnh, ngụ ấp 3, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao pha loãng chế phẩm sinh học IMO phun xử lý mùi hôi chuồng trại.
Mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn bằng chế phẩm sinh học IMO được triển khai từ tháng 5-2022 đến nay, được nhiều hộ dân hưởng ứng vì những ứng dụng thực tế. Xã có 188 hộ dân trên địa bàn ấp 1, ấp 2 và ấp 3 tham gia mô hình.
Các hộ đã làm chế phẩm sinh học IMO thành công, sau đó dùng chế phẩm IMO để ủ rác hữu cơ ở nhà bếp, ủ các phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ, làm nước rửa chén, nước giặt, khử mùi nhà vệ sinh, vệ sinh chuồng trại, cải thiện môi trường xung quanh nhà. Sử dụng chế phẩm IMO phòng bệnh cho vật nuôi bằng cách ngâm ủ chế phẩm với gừng, tỏi, riềng pha loãng với nước cho vật nuôi uống hoặc trộn vào thức ăn. Chế phẩm IMO pha loãng có thể tưới cây trồng để phòng ngừa, diệt trừ sâu bệnh.
Cách làm chế phẩm IMO đơn giản, chi phí thấp, không mất nhiều thời gian. Với nguyên liệu 1kg đường, 1 hộp sữa chua, cám gạo, trái cây, men tiêu hóa, men rượu, 10 lít nước sạch khuấy đều ủ trong 10 ngày, ngửi thấy có mùi thơm, trên mặt có lớp men trắng là đã có chế phẩm sinh học IMO để sử dụng.
Bà Hồ Thanh Nguyệt, ngụ ấp 3, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc chia sẻ: “Gia đình tôi sử dụng chế phẩm IMO để xử lý mùi hôi từ chuồng nuôi heo sau vườn nhà. Tôi còn pha loãng chế phẩm trộn vào thức ăn, nước uống để heo tăng sức đề kháng, tốt cho đường ruột. Ngoài ra, tôi còn dùng chế phẩm IMO ngâm ủ rác hữu cơ để bón cho cây trồng, giúp cây phát triển tốt”.
Cũng là một trong những hộ sử dụng chế phẩm sinh học IMO, anh Hồ Thượng Trí, ngụ ấp 3, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc nói: “Gia đình tôi trồng măng cụt, lá khô rụng xuống gốc cây phân hủy chậm, gây khó khăn khi bón phân. Tôi sử dụng chế phẩm IMO để xử lý lá khô của cây măng cụt. Cứ 2 tháng tôi gom lá cây lại thành đống, pha loãng chế phẩm sinh học IMO theo tỷ lệ 1 lít chế phẩm 10 lít nước, dùng bình phun hoặc tưới đều lên lá cây giúp phân hủy nhanh hơn, tạo thành mùn hữu cơ tốt cho cây”.
“Mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn bằng chế phẩm sinh học IMO có chi phí thấp, mang lại nhiều hiệu quả. Mô hình vừa hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải vừa tạo ra sản phẩm phân bón hữu cơ phục vụ trồng trọt, cải tạo đất, góp phần phát triển kinh tế”, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang Đoàn Hữu Thắng đánh giá.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc Nguyễn Phương Hồng, mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn bằng chế phẩm sinh học IMO khu vực nông thôn là mô hình hay, phù hợp với nhu cầu xử lý rác thải tại nông thôn của xã, có ý nghĩa lớn về bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. UBND xã tiếp tục thực hiện mô hình tại các ấp còn lại. Xã phấn đấu cuối năm 2023 số lượng hộ dân trên toàn xã tham gia mô hình đạt từ 50% trở lên.
Bài và ảnh: TIỂU ĐIỀN
(KGO) - Ủy ban sông Mekong Việt Nam khuyến cáo các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin về diễn biến nguồn nước trên các sông, kênh trong thời kỳ đầu mùa khô để chủ động điều tiết nước ngọt cho sản xuất.
Tổng số lượt truy cập: