12/07/2023 13:53
DỄ THỰC HIỆN
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện An Biên, IMO là chế phẩm được điều chế bằng cách tận dụng các nguyên liệu tự nhiên có sẵn tại địa phương, sử dụng phương pháp lên men tạo ra nhiều loại vi sinh vật khác nhau tồn tại trong môi trường tự nhiên có hoạt tính sinh học cao.
Chế phẩm vi sinh IMO được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống hàng ngày như làm thức ăn chăn nuôi, ủ phân, ủ rác, khử mùi, giảm ô nhiễm môi trường, dùng làm chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu sinh học.
Người dân đổ mật đường và 10 lít nước, cho men tiêu hóa, sữa chua, men rượu, chuối chín bóp nát, vỏ khóm, cám gạo vào thùng khuấy đều, đậy nắp kín, mỗi ngày khuấy 1 lần, sau 7-10 ngày sẽ thu được hỗn hợp men gốc vi sinh IMO.
Từ hỗn hợp men vi sinh gốc IMO, người dân có thể chế biến thành IMO dạng khô hoặc dạng nước. Đối với IMO dạng nước, người dân hòa loãng với nước sạch theo tỷ lệ 1-10 để xử lý rác thải hữu cơ trong sinh hoạt, phân chuồng trong chăn nuôi, khử mùi hôi nước thải.
Đối với IMO dạng khô, từ các nguyên liệu mật đường, IMO gốc, 5kg cám gạo, trộn đều, đậy kín ủ trong 1 ngày, sau đó đem hỗn hợp phơi khô dưới bóng râm sẽ thu được IMO khô.
Bà Thị Thu, ngụ ấp Bào Trâm, xã Nam Yên, huyện An Biên sử dụng men vi sinh IMO ủ phân cá dùng cho chăn nuôi heo.
Hiện lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện An Biên khoảng 38,1 tấn/ngày. Để góp phần nâng cao ý thức cho người dân về phân loại và xử lý rác thải, Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, Ban Dân vận Huyện ủy tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường, hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn cho người dân địa phương.
Trong đó, mô hình phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm IMO bản địa, nấm Trichoderma đang mang lại hiệu quả, được nhân rộng tại nhiều xã trên địa bàn huyện An Biên.
NHIỀU TIỆN ÍCH
Sau 3 tháng tham gia lớp tập huấn phân loại rác và xử lý rác thải bằng chế phẩm vi sinh bản địa IMO, bà Thị Thu, ngụ ấp Bào Trâm, xã Nam Yên, huyện An Biên thành thạo các bước thực hiện phân loại rác thải, biến rác thải trở thành phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng; tận dụng chế phẩm vi sinh bản địa để ủ phân cá dùng bổ sung vào thức ăn cho heo, gà vịt.
Bà Thu chia sẻ: “Mỗi tháng, tôi tự chế khoảng 30 lít vi sinh IMO để xử lý rác thải làm phân bón, phun khử mùi chuồng trại chăn nuôi heo, ủ cá làm thức ăn cho heo. Nhờ cách làm này, rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý hiệu quả, đảm bảo vệ sinh môi trường”.
Bà Thị Nho, cùng ngụ ấp Bào Trâm, xã Nam Yên, huyện An Biên cho biết: “Trước đây, rác thải sinh hoạt hàng ngày tôi chỉ gom lại cách 2-3 ngày đào hố chôn sau vườn. Giờ đây, tôi đã biết cách phân loại rác có thể tái chế, rác thải hữu cơ dễ phân hủy và rác thải khó phân hủy. Nhờ phương pháp xử lý rác thải bằng chế phẩm vi sinh IMO, ủ rác làm phân, vườn rau nhà tôi luôn xanh, tốt mà không cần sử dụng bất cứ loại phân bón hóa học nào”.
Đồng chí Bùi Hồng Nghị - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện An Biên cho biết mô hình xử lý rác thải bằng phương pháp vi sinh IMO đã tạo được sự chuyển biến rõ nét về nhận thức của người dân nông thôn về xử lý rác tại hộ gia đình. Những tác dụng hiệu quả từ phương pháp này đã được người dân đón nhận và đồng tình hưởng ứng, hài lòng khi áp dụng vào thực tế cuộc sống.
Đến nay, mô hình đã giúp công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện được dễ dàng hơn, góp phần nâng tỷ lệ người dân phân loại rác thải tại nguồn toàn huyện đạt 41,8%, hoàn thành tiêu chí số 7 về môi trường trong xây dựng huyện nông thôn mới.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Ủy ban sông Mekong Việt Nam khuyến cáo các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin về diễn biến nguồn nước trên các sông, kênh trong thời kỳ đầu mùa khô để chủ động điều tiết nước ngọt cho sản xuất.
Tổng số lượt truy cập: