05/06/2023 16:30
Năm 2022, tổng sản lượng sản xuất của Công ty Cổ phần Trung Sơn, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) đạt 6.200 tấn, kim ngạch xuất khẩu trực tiếp đạt trên 15 triệu đô la Mỹ, đạt 98% kế hoạch năm. Ông Lê Minh Tâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Trung Sơn cho biết: “Tình hình thế giới đầy biến động, hậu quả từ dịch COVID-19 chưa hồi phục hoàn toàn, nay hậu quả từ xung đột khiến thế giới rơi vào lạm phát. Lãi suất ngân hàng cao làm tăng chi phí sản xuất. Khó chồng thêm khó”.
Trước khó khăn, Công ty Cổ phần Trung Sơn điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, chọn giải pháp tăng sức cạnh tranh sản phẩm thông qua tính toán tối ưu quy trình chế biến, tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu tập trung. Tuy nhiên, so thời điểm trước dịch, tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty vẫn rất khó khăn. Mong muốn lớn nhất của ông Tâm là được ngân hàng giảm lãi, cơ cấu lại nợ và cho vay mới để duy trì hoạt động, tạo nguồn thu, giải quyết việc làm cho người lao động.
Có lẽ mong muốn của ông Tâm cũng là mong muốn chung của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khi đang đối mặt với những khó khăn khác nhau trong giai đoạn hậu COVID-19.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Trung Sơn, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương.
Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-1,5%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân...
Hiện mặt bằng lãi suất cơ bản ổn định, lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 6,21%/năm, giảm 0,2% so cuối năm 2022. Lãi suất cho vay bình quân Việt Nam đồng ở mức khoảng 9,23%/năm, giảm 0,7%/năm so cuối năm 2022.
Để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, ngày 23-4-2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng xem xét trên thực tế khách hàng và năng lực tài chính của mình để cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ ngày 24-4-2023 đến hết 30-6-2024.
Cùng các chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN giúp khách hàng giảm áp lực trả nợ ngân hàng, nhất là những khách hàng gặp khó do nguyên nhân khách quan. Khách hàng được gia hạn nợ, giãn nợ mà không bị chuyển nhóm nợ nên vẫn tiếp cận được nguồn vốn vay mới để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngành ngân hàng triển khai nhiều chương trình tín dụng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn phục vụ cho phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Cụ thể, các ngân hàng thương mại triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường đối với chủ đầu tư, người mua nhà các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Ngành ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khôi phục và phát triển sản xuất, các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các tổ chức tín dụng chủ động tiết giảm chi phí, đồng thuận giảm lãi suất, triển khai các gói tín dụng ưu đãi đối với người dân, doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn so lãi suất cho vay thông thường.
Ngành ngân hàng triển khai nhiều chương trình tín dụng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn phục vụ cho phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Trong ảnh: Nông dân xã Thới Quản, huyện Gò Quao (Kiên Giang) thu hoạch khóm chính vụ.
Tại Kiên Giang, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang tập trung chỉ đạo, giám sát diễn biến tình hình lãi suất, chủ động tổ chức đoàn khảo sát tình hình thực hiện lãi suất huy động, cho vay và phí liên quan đến hoạt động cho vay tại các ngân hàng trên địa bàn, đồng thời đưa ra khuyến nghị khi cần thiết.
Nhờ đó, 5 tháng đầu năm 2023, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng Việt Nam đồng trên địa bàn tỉnh giảm từ 0,5-1%/năm so cuối năm 2022. Vốn tín dụng trên địa bàn duy trì tăng trưởng hợp lý, các khó khăn vướng mắc được kịp thời tháo gỡ, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Dư nợ tín dụng tăng 4,94% so cuối năm 2022, tăng 15,54% so cùng kỳ.
Toàn tỉnh Kiên Giang có 10 doanh nghiệp, 3 hộ kinh doanh ký thỏa thuận về hỗ trợ lãi suất với doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt 506,7 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ lãi suất 1,6 tỷ đồng theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; 4.455 khách hàng được Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang giải ngân cho vay hơn 361,3 tỷ đồng theo các chương trình cho vay ưu đãi theo nghị quyết của Quốc hội.
Toàn tỉnh có 62.456 món vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm với số tiền đã giải ngân hơn 1.950 tỷ đồng được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ; 517 khách hàng dư nợ 253 tỷ đồng được tiếp tục cơ cấu lại giữ nguyên nhóm nợ; 7.360 khách hàng được cho vay mới số tiền 17.676 tỷ đồng.
Bài và ảnh: ĐÔNG HƯNG
(KGO) - Ngày 11-12, Sở Công thương tỉnh Kiên Giang nghiệm thu 2 đề án khuyến công địa phương năm 2024 ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất tại TP. Rạch Giá.
Tổng số lượt truy cập: