20/06/2023 11:08
Những năm qua, Trường Đại học Kiên Giang mở rộng quy mô với cơ cấu ngành đào tạo được chọn căn cứ điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực của trường, đồng thời phù hợp nhu cầu thị trường, yêu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khu vực và cả nước. Với việc mở thêm hai ngành mới, năm 2023, trường tuyển sinh 22 ngành với 1.675 chỉ tiêu.
TIỀM NĂNG NGÀNH KINH DOANH NÔNG NGHIỆP
Với quan điểm chọn ngành phù hợp học lực, điều kiện gia đình và nhu cầu thị trường lao động, em Thị Kiều Nhi - học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông Kiên Giang đăng ký xét tuyển ngành kinh doanh nông nghiệp của Trường Đại học Kiên Giang. “Sản xuất nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Kiên Giang nói riêng chủ yếu phát triển kinh tế nông nghiệp nên em đăng ký xét tuyển ngành kinh doanh nông nghiệp để tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp”, Kiều Nhi chia sẻ.
Giảng viên Khoa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Kiên Giang, hướng dẫn sinh viên tìm hiểu về cung cầu thị trường nông sản.
Theo Tiến sĩ Dương Văn Nhã - Trưởng Khoa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Kiên Giang, ngành kinh doanh nông nghiệp đào tạo kiến thức, kỹ năng và năng lực kinh doanh liên quan đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm chế biến từ nông nghiệp. Do đó, sinh viên được trang bị phần lớn kiến thức liên quan kinh tế và kinh doanh nguyên liệu, sản phẩm nông nghiệp như kiến thức nền tảng về phân tích kinh tế, chiến lược kinh doanh, tài chính, marketing, quản trị nguồn nhân lực và công nghệ, chuỗi giá trị thực phẩm, thu mua và xuất khẩu nông sản. Sinh viên được trang bị kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, giao tiếp, làm việc nhóm, tin học, ngoại ngữ...
Ngành kinh doanh nông nghiệp còn cung cấp kiến thức cơ bản về khoa học, kỹ thuật nông nghiệp để người học thuận tiện trong hoạt động quản lý và kinh doanh. “Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến sản phẩm nông nghiệp ngày càng phát triển do đó, cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trong nước và xuất khẩu đang sôi động tại Việt Nam. Vì vậy ngành kinh doanh nông nghiệp có tiềm năng phát triển, làm giàu bằng việc kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp”, Tiến sĩ Dương Văn Nhã nói.
Năm 2023, Trường Đại học Kiên Giang tuyển 40 chỉ tiêu ngành kinh doanh nông nghiệp; xét tuyển các tổ hợp môn gồm toán, lí, hóa (A00), toán, văn, hóa (C02) và toán, văn, Anh (D01), toán, sinh, văn (B03). Đối với ngành kinh doanh quốc tế, trường tuyển 80 chỉ tiêu; xét tuyển các tổ hợp môn gồm toán, lí, hóa (A00), toán, lí, Anh (A01), toán, văn, Anh (D01); toán, hóa, Anh (D07). Cả hai ngành đều có 3 phương thức xét tuyển gồm xét theo học bạ hoặc tương đương, xét theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển thẳng. |
Sinh viên ngành kinh doanh nông nghiệp có thể trở thành nhà quản lý, nhà phân tích, chuyên gia các lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp, chuỗi cung ứng, thu mua về kinh doanh nông nghiệp, marketing kinh doanh nông nghiệp, nghiên cứu thị trường kinh doanh nông nghiệp; xuất khẩu, nhập khẩu nông sản, vật tư nông nghiệp; phân tích dự án đầu tư trong nông nghiệp; phân tích đầu tư và giao dịch hàng hóa nông nghiệp, phân tích chuỗi giá trị nông sản và mô hình sản xuất, tiêu thụ nông sản; phân tích chính sách kinh tế và thị trường nông nghiệp. Sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể làm trong lĩnh vực tư nhân, cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học...
RỘNG MỞ NGÀNH KINH DOANH QUỐC TẾ
Ngành kinh doanh quốc tế cung cấp cho sinh viên kiến thức nền tảng về kinh doanh quốc tế như thương mại quốc tế, chính sách kinh tế đối ngoại, vấn đề về hội nhập kinh tế, đầu tư quốc tế tại Việt Nam… Theo Tiến sĩ Ngô Văn Thiện - Trưởng Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kiên Giang, trên địa bàn tỉnh có nhiều công ty hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu. Đây là điều kiện thuận lợi cho sinh viên thực hành, thực tập, có nhiều cơ hội việc làm sau tốt nghiệp.
Trường Đại học Kiên Giang chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất đào tạo ngành kinh doanh nông nghiệp và kinh doanh quốc tế.
Tiến sĩ Ngô Văn Thiện cho biết: “Tốt nghiệp ngành kinh doanh quốc tế, các em có thể làm việc ở vị trí chuyên viên kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, công ty thương mại, công ty xuất khẩu, nhập khẩu, văn phòng đại diện, đại lý vận tải tàu biển, hàng không, bảo hiểm, ngân hàng… Các em có thể trở thành nhà quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hay lãnh đạo các công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế; giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng có đào tạo về nhóm ngành kinh doanh và quản lý”.
Được tìm hiểu ngành kinh doanh quốc tế thông qua các buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp tại trường, em Trần Thị Kiều My - học sinh Trường Trung học phổ thông Lấp Vò 3 (Đồng Tháp) quyết định đăng ký dự tuyển vào Trường Đại học Kiên Giang. “Quá trình hội nhập, nhiều doanh nghiệp liên kết xuất khẩu, nhập khẩu với các nước phát triển trên thế giới, ngành kinh doanh quốc tế có triển vọng và cơ hội làm việc thăng tiến cao trong tương lai”, Kiều My chia sẻ. Đăng ký dự tuyển ngành kinh doanh quốc tế, Kiều My mong được trang bị kiến thức, kỹ năng mềm để giao tiếp, học tập tốt nhằm có thể làm việc tại doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu sau khi tốt nghiệp.
Trường Đại học Kiên Giang chuẩn bị đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, sẵn sàng đào tạo hai ngành kinh doanh quốc tế và kinh doanh nông nghiệp năm học 2023-2024.
Bài và ảnh: BÍCH TUYỀN - NHƯ NGỌC
(KGO) - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thọ - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kiên Giang nhiệm kỳ mới.
Tổng số lượt truy cập: