19/10/2022 09:21
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có 611 đơn vị sự nghiệp giáo dục phổ thông công lập, với 21.155 nhân sự (quản lý, giáo viên và nhân viên). Toàn tỉnh đang thiếu 1.105 giáo viên, trong đó mầm non 575, tiểu học 81, trung học cơ sở 191 và trung học phổ thông 258 giáo viên.
Người đứng đầu ngành giáo dục của Kiên Giang cho rằng, việc thiếu biên chế có nhiều nguyên nhân, nhưng tập trung vào 4 nguyên nhân chủ yếu:
Thứ nhất, khi thẩm định biên chế, Trung ương không giao đủ số lượng theo kế hoạch của tỉnh mà căn cứ chuẩn học sinh/lớp và quy mô cấp học để quyết định số lượng. Thực tế do sự biến động học sinh ở từng điểm trường khác nhau nên chuẩn học sinh/lớp và quy mô cấp học không thể thực hiện đúng theo chuẩn quy định.
Muốn thực hiện được việc này, cần bố trí lại các điểm lẻ để tập trung đầu mối. Tuy nhiên giảm điểm lẻ phụ thuộc nhiều yếu tố. Từ năm 2018 đến nay, Kiên Giang đã sắp xếp giảm 88 trường và 294 điểm lẻ, hiện còn 611 trường với 655 điểm lẻ. Với điều kiện thực tế hiện nay, việc tiếp tục giảm các điểm lẻ cũng là một bài toán nan giải.
Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang làm việc tại Sở Giáo dục và Đào tạo.
Thứ hai, việc bắt buộc phải giảm biên chế theo tỷ lệ % cơ học hàng năm.
Thứ ba, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các trường do sự biến động học sinh và quy mô trường, lớp hàng năm… Tuy nhiên việc điều chuyển giáo viên khó thực hiện, vướng gia cảnh, phát sinh chi phí và chưa có chính sách hỗ trợ.
Thứ tư, việc xã hội hóa giáo dục nhiều năm qua không đạt hiệu quả do đầu tư giáo dục không đem lại lợi nhuận cao, muốn có lợi nhuận các nhà đầu tư phải có nguồn lực giáo viên chất lượng và tăng học phí.
Để giải quyết những khó khăn, hạn chế trên, tỉnh Kiên Giang cần đề ra các giải pháp dài hạn và ngắn hạn. Theo đó tiếp tục quy hoạch mạng lưới trường, trong đó cần có giải pháp về đất đai và tập trung nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia, làm cơ sở giảm dần các điểm lẻ theo từng giai đoạn.
Có chính sách hỗ trợ để thực hiện việc điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, đồng thời có kinh phí đào tạo chuẩn hóa để giáo viên có khả năng tham gia giảng dạy nhiều cấp học.
Bộ, ngành Trung ương khi thẩm định biên chế sự nghiệp giáo dục, cần chấp nhận thực tế theo quy mô trường lớp hiện tại của từng tỉnh, từng khu vực và không quy định giảm biên chế tỷ lệ % cơ học như thời gian qua.
Tin và ảnh: PHẠM BẰNG
(KGO) - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thọ - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kiên Giang nhiệm kỳ mới.
Tổng số lượt truy cập: