29/07/2021 15:48
Gặp tôi ở trường, cô Nhung nói hôm nay mình không có tiết nhưng chiều cô đến trường dạy 4 tiết ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh hai lớp cô phụ trách. Dạy buổi chiều, cô Nhung không thu thêm tiền, chỉ cần học sinh đến lớp, học chăm chỉ, nghiêm túc vì kết quả kỳ thi thử vừa qua, hai lớp cô phụ trách còn nhiều học sinh điểm dưới trung bình. “Tôi dạy thêm để mấy em thi tốt nghiệp điểm cao hơn. Tôi vui, có động lực vì ngoài những em thi thử điểm thấp còn nhiều em đạt điểm cao đến học”, cô Nhung chia sẻ.
Những ngày dạy nhiều, tối về cô Nhung mệt, dù vậy cô tận tụy chấm bài, sửa bài cho học sinh với mong muốn các em thi tốt nhất có thể. Em Trần Hải Đăng - học sinh lớp 12A6 chia sẻ: “Cô Nhung nghiêm khắc nhưng em thương cô vì cô dạy kiến thức và chỉ bảo cho tụi em nhiều điều hay, lẽ phải”. Còn em Thị Tuyết Nhi - học sinh lớp 12A6 thương cô vì cảm nhận sự yêu thương, tận tụy của cô dành cho học sinh. Cô sẵn lòng bỏ thời gian, công sức để dạy thêm cho các em, chỉ mong các em có kết quả thi cao hơn.
Hơn 20 năm gắn bó với mái trường, cô Nhung nói mình đến với nghề giáo viên như cái duyên, được đến và ở lại Trường Trung học phổ thông Gò Quao vừa là duyên vừa bởi sự gắn kết của lòng người.
Cô Nguyễn Thị Nhung (bên phải) ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh lớp 12A6.
Thời phổ thông, cô Nhung học giỏi các môn khoa học xã hội, nhất là lịch sử. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, học ngành nào không phải đóng học phí là ưu tiên hàng đầu của cô. Yêu ngành công an nhưng không kịp dự sơ tuyển, cô Nhung đành rẽ sang ngành sư phạm như là lựa chọn cuối cùng. Lúc ấy, cô nghĩ phải được học đại học nên chọn khối C gồm các môn văn, lịch sử, địa lý. Trong mọi hoàn cảnh dù khó khăn nhất, cô Nhung vẫn lạc quan, phấn đấu vượt qua để đạt mục tiêu có nghề ổn định. Khi chọn chuyên ngành, cô Nhung chọn lịch sử vì niềm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc.
Sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm ngành lịch sử, Trường Đại học Cần Thơ, cô giáo trẻ quê Hậu Giang đến Sở Giáo dục và Đào tạo xin dự tuyển với nguyện vọng được dạy học ở huyện Phú Quốc. Được Sở Giáo dục và Đào tạo định hướng dạy học ở Gò Quao vì thời điểm năm 2000, trường này thiếu giáo viên chuyên ngành lịch sử, cô Nhung đồng ý. Với cô Nhung, mọi thứ trong cuộc sống đều đơn giản, cô không được chọn nghề thì nghề chọn cô nhưng quan trọng là phải sống trọn vẹn với nghề. Từng thế hệ học sinh trưởng thành, được phụ huynh tin tưởng là niềm vui cũng là trách nhiệm, thôi thúc cô cống hiến nhiều hơn.
Cô Nhung khá nghiêm khắc nên nhiều học trò nói cô khó tính. “Nếu không nghiêm khắc học trò không nên người. Để học sinh trưởng thành, tôi vừa nghiêm khắc vừa nhẹ nhàng khuyên bảo, cô giáo đồng thời phải là mẹ, là bạn của các em”, cô Nhung tâm sự. Nhiều học trò cá biệt được cô dạy giờ nên người. Mỗi dịp họp mặt, học trò nhắc lại kỷ niệm thời đi học được cô dạy bảo, cô thấy nghề giáo viên thật cao quý.
Công tác xa quê, mỗi lần về nhà, cô Nhung đạp xe hơn một tiếng. Thời gian đầu về trường, cuộc sống nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng cô Nhung vui vì cảm nhận được tình thương của bạn bè, đồng nghiệp. Hơn 20 năm gắn bó với Gò Quao, cô xem nơi này là quê hương, lập gia đình, xây dựng cuộc sống ở đây. Được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú, cô Nhung nguyện phấn đấu nhiều hơn để xứng đáng với danh hiệu cao quý này.
Bài và ảnh: BÍCH TUYỀN
(KGO) - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thọ - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kiên Giang nhiệm kỳ mới.
Tổng số lượt truy cập: