16/09/2021 18:28
TÍCH CỰC CHUẨN BỊ
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng với nhiều biện pháp, đến ngày 10-9, huyện An Biên huy động 1.946 trẻ 6 tuổi vào lớp 1, đạt 92,71%. Năm học 2021-2022, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Biên quản lý 42 trường học trực thuộc, trong đó có 9 trường mầm non, 25 trường tiểu học, 8 trường trung học cơ sở với trên 12.000 học sinh. Các trường được trưng dụng làm khu cách ly tập trung được huyện trả lại để nâng cấp, sửa chữa, trang trí.
Đồng chí Nguyễn Văn Út Thương - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Biên cho biết, trong hè, huyện xây dựng thêm 26 phòng học mới, sửa chữa 60 phòng học; các đơn vị trường học hoàn tất việc vệ sinh, trang trí, chỉnh trang trường, lớp, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để bước vào năm học mới.
Trong hè, huyện Gò Quao trưng dụng các trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Thới Quản, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Định An, Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Gò Quao, Tiểu học 1 Định An làm khu cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19. Từ giữa tháng 8, huyện hoàn thành xây dựng, cải tạo nhà thi đấu đa năng của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện làm khu cách ly tập trung mới, trả cơ sở để ngành giáo dục chuẩn bị năm học 2021-2022.
Đồng chí Nguyễn Tấn Phát - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gò Quao cho biết, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện mua sắm bổ sung bàn ghế học sinh, bàn ghế giáo viên, ti vi, bảng đa năng, trang bị phòng thực hành... cho các trường với tổng trị giá hơn 8 tỷ đồng. Đến nay, Nhà sách Kiên Giang và Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị trường học Kiên Giang cung cấp đủ sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho học sinh đến các trường học trên địa bàn huyện…
Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao chỉnh trang trường lớp chuẩn bị cho năm học 2021-2022.
Cô Nguyễn Thị Tuyết Hồng - giáo viên lớp 3/1, Trường Tiểu học thị trấn Gò Quao cho biết: “Khi được trường phân công chủ nhiệm, tôi liên hệ, thành lập nhóm Zalo phụ huynh của lớp để phổ biến thông tin cần thiết; cùng tập thể nhà trường vệ sinh, chỉnh trang trường lớp; sẵn sàng các phương án dạy học theo hướng dẫn của ngành. Khi học sinh đi học trở lại, tôi tận dụng thời gian học trực tiếp truyền đạt kiến thức cốt lõi, quan trọng nhất để các em học hiệu quả”.
CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ MỌI TÌNH HUỐNG
TP. Rạch Giá thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 19-7, phần nào ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị cho năm học mới. Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Rạch Giá, năm học 2021-2022, đến ngày 10-9, thành phố có 42.359 học sinh, trong đó 6.804 trẻ mầm non, mẫu giáo; 21.050 học sinh tiểu học với 583 lớp, trong đó 3.925 học sinh lớp 1; 14.505 học sinh trung học cơ sở. Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, thành phố tích cực chuẩn bị điều kiện tổ chức dạy học theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học và đảm bảo an toàn cho học sinh.
Đến thời điểm này, Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, TP. Rạch Giá cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị cho năm học mới, xây dựng xong kịch bản đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 khi học sinh đi học trở lại. Cô Lương Thị Kim Nhung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh cho biết: “Để chủ động thực hiện nhiệm vụ trước tình hình dịch bệnh COVID-19, trường phân công tổ giáo viên chọn bài dạy học qua internet để soạn giảng; phân công tổ hỗ trợ kỹ thuật để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên gặp khó khăn trong quá trình soạn bài hoặc dạy qua internet”.
Trường Trung học phổ thông An Minh, huyện An Minh hiện có đủ trang thiết bị cơ bản phục vụ dạy học. Trong hè, trường mua 2 laptop và được cấp 3 laptop hỗ trợ giáo viên khó khăn về phương tiện dạy học online. Trường chuẩn bị sẵn phương án dạy học trực tiếp và trực tuyến qua internet để sẵn sàng ứng phó với các tình huống diễn biến dịch COVID-19; xây dựng kế hoạch thực hiện các phương án phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại trường học; khi học trực tiếp, trường chia học sinh thành 2 ca học để giảm số học sinh đến trường cùng lúc để đảm bảo an toàn cho các em...
Hiện một số địa phương trong tỉnh Kiên Giang còn gặp khó khăn như một số giáo viên, học sinh còn ở các tỉnh, huyện khác chưa về được địa phương; công tác huy động học sinh lớp 1, trẻ mầm non chưa đạt chỉ tiêu; sách giáo khoa, dụng cụ học tập đã có ở trường nhưng phụ huynh chưa đến nhận được do thực hiện giãn cách xã hội; một số học sinh không đủ điều kiện học qua internet…
Trước tình hình trên, các trường chủ động sắp xếp giáo viên dạy thay để thực hiện tốt đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm học của trường; tiếp tục rà soát, huy động học sinh đi học bằng nhiều hình thức; tổ chức linh động nhiều kênh giao sách giáo khoa đến học sinh; xây dựng hình thức tổ chức dạy học linh hoạt để học sinh tiếp cận bài học…
Bài và ảnh: BÍCH TUYỀN
(KGO) - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thọ - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kiên Giang nhiệm kỳ mới.
Tổng số lượt truy cập: