17/10/2021 10:11
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang, đến ngày 8-10, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến từ lớp 3 - 5 đạt 68,68%, lớp 6 - 9 đạt 84,25%, lớp 10 - 12 đạt 97,29%.
Toàn tỉnh có 83.246 học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến (chiếm gần 30%); trong đó có 6.121 học sinh thuộc diện hộ nghèo, 10.459 học sinh thuộc diện hộ cận nghèo, 66.666 học sinh thuộc các đối tượng khác, gặp khó khăn về thiết bị. Để hỗ trợ học sinh không có thiết bị học tập qua môi trường internet, các trường phân công giáo viên giao tài liệu hướng dẫn học tập đến nhà học sinh; tổ chức các nhóm học nhỏ đối với học sinh cùng địa bàn có phân công giáo viên hỗ trợ và hướng dẫn học sinh tham gia học cùng bạn...
Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang phối hợp Công đoàn ngành giáo dục tỉnh vận động, quyên góp ủng hộ thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chưa có, không có khả năng thiết bị học trực tuyến trên địa bàn tỉnh theo công văn phối hợp của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban Thường vụ Công đoàn giáo dục Việt Nam về vận động quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em”. Qua vận động, cán bộ, nhà giáo, người lao động đang công tác trong ngành giáo dục toàn tỉnh đóng góp tiền mặt trị giá một ngày lương thu nhập; ngành giáo dục vận động tổ chức, cá nhân tùy điều kiện có thể đóng góp tiền hoặc hiện vật như điện thoại thông minh, máy tính…
Theo đồng chí Lâm Thị Mạnh - Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang, đến chiều 11-10, Công đoàn ngành giáo dục tỉnh nhận được gần 3 tỷ đồng từ nhiều đơn vị, trường học trong tỉnh; đồng thời, tiếp tục nhận quyên góp đến hết ngày 15-10.
Ngoài đóng góp theo mức vận động của ngành giáo dục với số tiền 17,5 triệu đồng, cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng còn góp khoảng 8,5 triệu đồng để mua điện thoại thông minh hỗ trợ học sinh của trường có hoàn cảnh khó khăn, không có thiết bị hoặc có nhưng bị xuống cấp, hư hỏng, không thể phục vụ các em học trực tuyến.
Thầy Lê Phú Quốc (bên phải) - giáo viên, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) tặng điện thoại thông minh cho em Lê Văn Sơn - học sinh lớp 10B3. Ảnh: KHÁNH QUỐC
Ngày 11-10, ban giám hiệu phối hợp Công đoàn cơ sở Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng tổ chức trao cho 3 học sinh để các em có điều kiện học tốt hơn. Thầy Đàm Thanh Lạc - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng cho biết: “Từ đầu năm học đến nay, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến của trường đạt 100%. Tuy nhiên, nhiều học sinh gặp khó khăn trong quá trình học do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc không có thiết bị phải mượn của người thân, điện thoại xuống cấp không thu được sóng wifi, thường xuyên bị thoát ra ngoài hoặc màn hình quá mờ không xem được tài liệu... Trước mắt, trường hỗ trợ 3 học sinh có hoàn cảnh khó khăn về thiết bị. Trường còn 5 - 10 học sinh cần được hỗ trợ”.
Theo Công văn số 3961/BGDĐT-CĐN, ngày 10-9-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn giáo dục Việt Nam về việc vận động quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em”, đối với các sở giáo dục và đào tạo các địa phương, giao Công đoàn ngành giáo dục tại địa phương chịu trách nhiệm tổ chức tiếp nhận. Số kinh phí này sử dụng trên nguyên tắc công khai, minh bạch; ban vận động quyên góp, ủng hộ, tiếp nhận, điều phối trang thiết bị học trực tuyến cho học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo ưu tiên mua thiết bị học trực tuyến hỗ trợ học sinh khó khăn tại địa phương và có sự điều phối chung giữa các địa phương trong cả nước.
Đồng chí Trần Quang Bảo - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang, theo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn giáo dục Việt Nam, sau khi vận động xong, ngành giáo dục mỗi tỉnh quản lý số tiền vận động được, chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo đấu thầu mua chung cho các địa phương để giảm chi phí nhằm mua được nhiều máy hơn. Tuy nhiên, cách làm này tốn nhiều thời gian, có thể khi nhận được máy học sinh đã đến trường học trực tiếp.
“Để kịp thời hỗ trợ thiết bị cho học sinh, giúp các em có điều kiện học trực tuyến trong thời gian chưa đến trường học trực tiếp, ngành giáo dục tỉnh gửi văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền cho cơ chế vận động đến đâu thì giao quyền cho trường tự mua thiết bị với số tiền do cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường đóng góp để trang bị cho học sinh khó khăn của trường mình. Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý với đề xuất này, ngành giáo dục tỉnh chuyển lại ngay số tiền các đơn vị, trường học đã nộp để các trường mua sắm thiết bị, hỗ trợ học sinh kịp thời”, đồng chí Trần Quang Bảo cho biết.
Để kịp thời hỗ trợ học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đẩy nhanh việc thực hiện thư ngỏ chương trình “Sóng và máy tính cho em”; song song đó, huy động kịp thời máy tính cũ, điện thoại thông minh cũ hỗ trợ học sinh và kêu gọi cha mẹ học sinh ưu tiên điện thoại đang sử dụng cho học sinh học tập trong thời gian học trực tuyến.
BÍCH TUYỀN
(KGO) - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thọ - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kiên Giang nhiệm kỳ mới.
Tổng số lượt truy cập: