Báo Kiên Giang Báo Kiên Giang
  • Video
  • Podcast
  • Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Giải trí
  • Giáo dục
  • Khoa học - Công nghệ
  • Pháp luật
  • Du lịch
  • Sức khỏe
  • Thế giới

Trang chủ Giáo dục

Theo dõi báo điện tử Kiên Giang trên

Gieo chữ nơi đảo xa

27/02/2023 11:03

(KGO) - Đi lại khó khăn, lương còn hạn chế nhưng với lửa nghề, nhiều thầy, cô giáo vẫn vượt sóng mang chữ ra xã đảo Tiên Hải, TP. Hà Tiên (Kiên Giang) dạy cho các em nhỏ.

Thầy Trương Tấn Hưng dạy học cho học sinh tại điểm lẻ Hòn Đước,
Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tiên Hải.

Chúng tôi có dịp đến quần đảo Hải Tặc, thuộc xã Tiên Hải. Nơi đây, chúng tôi gặp thầy Danh Văn, thầy Trương Tấn Hưng và cô Ngô Thị Thùy là những giáo viên đã tình nguyện ra đảo gieo chữ. 

THẦY GIÁO TRẺ 10 NĂM “BÁM ĐẢO”

Cách đây khoảng 10 năm, thầy Danh Văn, quê huyện Gò Quao (Kiên Giang) tình nguyện ra xã Tiên Hải dạy học ở Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tiên Hải. Thầy Danh Văn được ban giám hiệu phân công dạy học ở điểm lẻ Hòn Đước.

Từ điểm chính đến điểm lẻ Hòn Đước phải đi bằng phương tiện đường thủy, mỗi lần mất hơn 30 phút nên thầy Danh Văn đành ở lại Hòn Đước. Thầy Danh Văn chia sẻ: “Việc dạy học ở đảo nhiều khó khăn. Cha mẹ các em là ngư dân, quanh năm đi biển nên hôm nay các em đến lớp, hôm sau nghỉ học là chuyện bình thường. Mỗi lần các em nghỉ học từ 2-3 ngày, tôi phải đến nhà hỏi thăm. Việc học của các em còn khó khăn lắm và đây là lý do tôi gắn bó với hòn đảo này hơn 10 năm”.

Khi công tác tại điểm lẻ Hòn Đước, tháng 11-2019, trên đường về nhà, thầy Danh Văn bị trượt xe máy, té gãy chân. Do thầy mắc bệnh máu khó đông số tiền điều trị lên đến hàng tỷ đồng. Thầy được bảo hiểm y tế thanh toán số tiền điều trị bệnh gần 13 tỷ đồng.

Sau vụ tai nạn, thầy Danh Văn được ban giám hiệu trường điều về điểm chính giảng dạy đến nay. Tháng 8-2022, chân từng bị gãy của thầy bất ngờ sưng và đau nhức, thầy được gia đình đưa đi Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) điều trị với chi phí hơn 400 triệu đồng.

Hiện tuy chân thầy Danh Văn bị teo tóp nhưng hàng ngày thầy vẫn tập tễnh lên lớp dạy học vì với thầy đây là niềm vui.

NHỮNG LỚP HỌC ĐẶC BIỆT

Rời điểm chính Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tiên Hải, chúng tôi lên thuyền máy, vượt sóng biển Hà Tiên trong cơn mưa chiều rả rích để đến điểm lẻ Hòn Giang, Hòn Đước. Mất hơn 30 phút, chúng tôi đến điểm lẻ Hòn Giang. Lúc này, cô Ngô Thị Thùy đang cho học sinh sinh hoạt ngoài trời.

Điều đầu tiên làm chúng tôi ấn tượng với học sinh điểm lẻ Hòn Giang là các em ngoan hiền, lễ phép. Ngoài ra, bộ đồng phục đa sắc màu mà các em mặc trên người cũng gây ấn tượng mạnh cho những ai lần đầu đến điểm lẻ Hòn Giang.

Cô Thùy phụ trách điểm lẻ Hòn Giang từ năm học 2022-2023. Điểm lẻ này có duy nhất một phòng học nhưng dạy từ lớp 1 đến lớp 4 với 17 học sinh.

“Đầu năm học 2021-2022, điểm lẻ không có giáo viên dạy học nên phụ huynh kiến nghị linh mục và ban giám hiệu Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tiên Hải cử tôi đến dạy học cho các em. Thời gian đầu dạy học tôi gặp khó khăn vì phải truyền kiến thức cho các trình độ học khác nhau. Dạy lớp ghép, tôi phải chuẩn bị 4 giáo án. Thiệt thòi nhất là các em lớp 1, học sinh học lực kém vì dạy lớp ghép nên không có nhiều thời gian để cô giáo tập trung vào nhóm học sinh này”, cô Ngô Thị Thùy chia sẻ.

 

Theo cô Thùy, học sinh đa phần thuộc diện khó khăn cùng với địa hình đảo xa nên để các em học tốt cần sự chung tay của gia đình, trường học và xã hội.

Ông Lại Văn Tol - người dân ở Hòn Giang cho biết: “Có dì phước Thùy dạy học cho các cháu trên đảo, bà con mừng lắm. Từ cách giáo dục nghiêm khắc của dì phước Thùy, các cháu về nhà ngoan hiền, học tiến bộ hơn trước. Đặc biệt, các cháu thuộc nhiều bài hát, biết nhiều trò chơi, hoạt bát lên nhiều”.

Giờ ra chơi, cô giáo Ngô Thị Thùy thường tổ chức cho học sinh sinh hoạt ca hát.

Chia tay điểm lẻ Hòn Giang, chúng tôi tiếp tục lên xuồng máy và mất hơn 20 phút vượt sóng mới đến điểm lẻ Hòn Đước. Điểm lẻ này trơ vơ một phòng học hướng biển. Tại đây, thầy Trương Tấn Hưng phụ trách 4 lớp học (từ lớp 1 đến lớp 4) nhưng chỉ có 15 học sinh.

Trước đây, thầy Hưng công tác tại một trường tiểu học trong đất liền, đầu năm học 2022-2023, thầy được điều động đến Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tiên Hải phụ trách điểm lẻ Hòn Đước. Do điểm lẻ có một phòng nghỉ cặp trường nên thầy Hưng lấy đó làm nhà, ở lại trên đảo sau những giờ lên lớp.

Thầy Hưng chia sẻ: “Ở đảo việc đi lại, chỗ ở, ăn uống còn khó khăn. Tuy nhiên, sau những lần đến thăm gia đình học sinh, thấy học sinh còn khó khăn, từ đó tôi thương học trò hơn. Thấy các em đến lớp đều đặn, ham học, tôi mừng lắm”.

 

Nói xong, thầy Hưng bước vào lớp học đặc biệt của mình, căn phòng nhỏ thiếu ánh sáng, khi thì thầy Hưng cho học sinh lớp 1 đánh vần từng chữ cái, khi thì thầy viết dãy số trên bảng để các em lớp 2, 3 tính phép toán rồi thầy đọc bài thơ cho các em lớp 4 viết chính tả.

ĐỜI SỐNG GIÁO VIÊN CÒN KHÓ KHĂN

Thầy Đỗ Quang Biên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tiên Hải cho biết, trường có 258 học sinh, trong đó tiểu học 134 em, khối trung học cơ sở 65 em. Ngoài điểm chính, trường có 2 điểm phụ ở Hòn Đước và Hòn Giang. Do trên xã đảo chưa có trường mầm non nên trường nhận thêm bậc mầm non có 2 lớp học với 59 trẻ.

Theo thầy Biên, nhờ sự quan tâm của ngành giáo dục và chính quyền địa phương nên cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ dạy học của trường được đảm bảo. Tuy nhiên, nhiều năm qua, trường thiếu 4 biên chế nên gặp nhiều khó khăn trong việc dạy học, nhất là tại 2 điểm lẻ.

Giáo viên trên xã đảo Tiên Hải cho biết, từ khi xã đảo có điện lưới quốc gia, cuộc sống người dân khá hơn nhờ làm du lịch và các ngành dịch vụ. Tuy nhiên, sự phát triển của du lịch làm các mặt hàng phục vụ sinh hoạt hàng ngày tăng theo giá dịch vụ du lịch, trong khi đó lương và phụ cấp của nhà giáo hàng chục năm qua không thay đổi nên tác động nhiều đến đời sống giáo viên.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang Trần Quang Bảo, năm học 2022-2023, tỉnh còn thiếu gần 1.280 biên chế. Ngoài việc chờ Bộ Nội vụ cấp thêm biên chế, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang tham mưu UBND tỉnh thành lập ban chỉ đạo xây dựng đề án điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu đến năm 2025. Để giữ chân giáo viên, năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo trình HĐND tỉnh chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non tuyển mới, góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non.

Bài và ảnh: HÀ ANH

Tin cùng mục

Kiên Giang: Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế

Kiên Giang: Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế

Hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp, thí sinh khởi động hành trình mới

(KGO) - Sáng 27-6, thí sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi hai môn tự chọn và hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025. Cùng với đó, thí sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 thi bài thi khoa học tự nhiên/khoa học xã hội.

  • Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng về thông tin lọt đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn toán
    Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng về thông tin lọt đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn toán
  • Đề toán phân hóa hợp lý, thí sinh khó đạt điểm cao
    Đề toán phân hóa hợp lý, thí sinh khó đạt điểm cao
  • Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV: Miễn, hỗ trợ học phí từ năm học 2025-2026
    Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV: Miễn, hỗ trợ học phí từ năm học 2025-2026
  • Đề thi ngữ văn đề cập vấn đề thời sự, đa phần thí sinh phấn khởi
    Đề thi ngữ văn đề cập vấn đề thời sự, đa phần thí sinh phấn khởi

Tin nổi bật

[Megastory] An Giang mới: Không gian lớn cho khát vọng lớn

[Megastory] An Giang mới: Không gian lớn cho khát vọng lớn

Công bố thành lập tỉnh An Giang

Công bố thành lập tỉnh An Giang

Danh sách 102 Bí thư Đảng ủy xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh An Giang

Danh sách 102 Bí thư Đảng ủy xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh An Giang

[Infographics] Chân dung Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2021-2026

[Infographics] Chân dung Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2021-2026

[Infographics] Chân dung 17 đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang nhiệm kỳ 2020-2025

[Infographics] Chân dung 17 đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang nhiệm kỳ 2020-2025

Danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2020-2025

Danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2020-2025

[Infographics] 102 xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh An Giang

[Infographics] 102 xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh An Giang

Sức mạnh của đoàn kết

Sức mạnh của đoàn kết

  • Ẩm thực
  • Chính trị
  • Nông thôn mới
  • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Phóng sự - Ghi chép
  • Thời trang
  • Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
  • Xã hội
  • Bạn đọc
  • Tinh gọn bộ máy
  • Văn hóa - Giải trí
  • Cải cách hành chính
  • Giáo dục
  • Khoa học - Công nghệ
  • Quốc phòng - An ninh
  • Pháp luật
  • Du lịch
  • Sức khỏe
  • Thế giới
  • Truyện ngắn
  • Thơ
  • Tản văn
Media Báo in
  • Theo dõi báo Kiên Giang trên
  • Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy An Giang
  • Chịu trách nhiệm xuất bản: Ban Biên tập Báo và phát thanh, truyền hình An Giang
  • Toà soạn: Số 16 đường Mạc Đĩnh Chi, phường Rạch Giá, tỉnh An Giang
  • Điện thoại: 0297.3899008 - Email: toasoan@baokiengiang.vn.
  • © 2021 Bản quyền thuộc về Báo Kiên Giang
  • Liên hệ quảng cáo: 0297.3949460. - Fax: 0297.3877518
  • Giấy phép số 60/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông, cấp ngày 25/01/2022 
  • Ghi rõ nguồn khi phát hành thông tin tại website này.

Tổng số lượt truy cập: