23/01/2023 16:10
Hồ Hoa Mai.
Vườn Quốc gia U Minh Thượng có tổng diện tích hơn 21.000 ha, trong đó hơn 13.000 ha vùng đệm là nơi cư trú và mưu sinh của một bộ phận cư dân của địa bàn 2 xã Minh Thuận và An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng.
Vùng lõi Vườn Quốc gia U Minh Thượng có diện tích trên 8.000 ha, với hệ sinh thái, sinh cảnh đa dạng tạo thành mái nhà chung cho hàng trăm loài động, thực vật. Đặc biệt, lớp than bùn khổng lồ hơn 3.000 năm tuổi được hình thành từ xác bả thực vật, có tác dụng như một hệ thống lọc nước và giữ nước ngầm cho cả vùng U Minh Thượng.
Nói về sự trù phú của Vườn Quốc gia U Minh Thượng, người dân địa phương có câu rằng:
Rừng tràm với choại xen nhau
Lươn, rùa, rắn, cá ít đâu sánh bằng
Kèo ong mật tầng tầng lớp lớp
Và sân chim bay mát trời chiều…
Có giá trị lớn đối với môi trường thiên nhiên và trong nghiên cứu khoa học, năm 2016 Vườn Quốc gia U Minh Thượng được công nhận là khu Ramsar thế giới.
Vườn Quốc gia U Minh Thượng còn mang một giá trị về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc. Rừng tràm này khi xưa là căn cứ của Liên Tỉnh ủy Hậu Giang, Tỉnh ủy Rạch Giá trong suốt thời kỳ kháng chiến. Thiên nhiên hào sản, nhưng đồng thời cũng là nơi rừng thiêng nước độc. Vậy mà ngày ấy, có biết bao người con của nước Việt anh hùng đã nương tựa nơi đây đến hàng chục năm trời, chiến đấu với gió sương, bom đạn, quên cả tuổi thanh xuân vì sự nghiệp cách mạng của nước nhà.
Đường vào rừng.
Chị Hải Yến, một người con của đất U Minh, có nhiều năm công tác tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Với vai trò là hướng dẫn viên du lịch, chị Yến luôn tự hào kể cho bạn bè và du khách bốn phương nghe những câu chuyện về rừng U Minh xưa với những chiến sĩ cách mạng anh hùng, vượt qua biết bao gian khó để góp phần làm nên lịch sử.
Chị Khúc Thị Hải Yến nói: “Trước đây các cô chú hoạt động ở trong rừng U Minh này rất vất vả, là rừng ngập nước nên cuộc sống và sinh hoạt càng khó khăn hơn. Ví dụ như: lấy vỏ cây tràm làm mái nhà, thân cây tràm lót làm sàn nhà để ở và làm việc; không có đường đi nên các cô chú phải di chuyển bằng xuồng hoặc lội nước; còn ăn uống thì chủ yếu dựa vào rừng, bắt cá dưới tán rừng, hái rau rừng ăn hàng ngày. Các cô chú khi đó nếu có bệnh thì cũng phải dựa nhiều vào thiên nhiên, như là dùng đọt chuối cầm máu, hoặc là cây cỏ mực để giải nhiệt cho cơ thể...”.
Hồ Hoa Mai, một nét xuân còn mãi của rừng U Minh Thượng. Chắc hẵn khi mới nghe qua cái tên chúng ta sẽ nghĩ rằng đây là nơi ngự trị của loài mai. Nhưng không, nơi đây không có hoa mai và cũng từng trải qua thời gian dài chẳng có mùa xuân, thâm u trong bom đạn.
Chị Hải Yến cho biết, năm 1972, trong chiến dịch “nhổ cỏ U Minh”, rất nhiều bom đạn rải xuống khu rừng này, đặc biệt có quả bom 7 tấn bỏ ngay trung tâm rừng U Minh Thượng nhằm tiêu diệt khu căn cứ cách mạng. Bom nổ cách khu căn cứ hoạt động chỉ vài trăm mét nhưng rất may là không ai bị thương tích. Khi hố bom nổ tung lên thì có hình dạng giống như hoa mai, loài hoa đặc trưng của mùa xuân Nam bộ nên các cô chú đặt tên cho hố bom là Hồ Hoa Mai. Sau này, Hồ Hoa Mai được tôn tạo thêm cho tròn vành rõ nét như hình dáng bây giờ.
Rừng U Minh Thượng được công nhận là Vườn Quốc gia chưa bao lâu, năm 2002 rừng tràm bỗng oằn mình, thét gào trong lửa đỏ. Chính phủ phát lệnh cho hơn 1.000 bộ đội cùng với lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy của 16 tỉnh thành dốc toàn lực, ròng rả cả tháng trời chiến đấu với lửa để cứu rừng.
Sau trận hỏa hoạn lịch sử ấy, Nhà nước đã đầu tư hệ thống trạm bơm, kênh bao giữ nước, điều tiết nước theo mùa để đảm bảo cho rừng tái sinh và phát triển. Thành lập trạm cứu hộ động vật hoang dã nhằm bảo tồn và tăng số lượng các loài động vật cho Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Sau hơn 10 năm phục hồi, chăm sóc, những mảng rừng chết cũng được tái sinh, hệ sinh thái rừng gần như phủ kín diện tích bị cháy, nhiều loài động vật trở về rừng cư trú.
Theo anh Nguyễn Văn Điện – Phó trưởng Phòng Khoa học – Hợp tác quốc tế, Vườn Quốc gia U Minh Thượng, ở vườn có 254 loài thực vật, có nhiều loài quý hiếm như: Nóc Bình, Bí Kỳ Nam... Còn động vật, có 32 loài thú, 188 loài chim, 60 loài cá, trong đó có 72 loài động vật quý hiếm như: Rái cá, Tê Tê, chim cổ rắn… Có nhiều loại thú mà du khách dễ dàng bắt gặp khi vào rừngt ham quan đó là khỉ và heo rừng.
Để tiện việc tuần tra và phục vụ du lịch, Ban quản lý vườn đã trải bê tông con đường chính dẫn sâu vào vùng lõi, xây dựng các tháp cao để quan sát toàn cảnh khu rừng. Những năm gần đây, Vườn Quốc gia UMT đón trên 50 ngàn lượt khách với doanh thu hơn 3 tỷ đồng mỗi năm.
Tác giả trò chuyện cùng lực lượng kiểm lâm.
Góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ cho sự sinh tồn và phát triển của rừng là lực lượng kiểm lâm. Các anh đã gắn bó với rừng xuyên suốt nhiều năm tháng. Nay rừng không hiểm nguy như ngày trước, nhưng để sống được những tháng ngày dài ở giữa rừng là điều không đơn giản, các anh phải trải qua quá trình rèn luyện để thích nghi với môi trường rừng, am hiểu về rừng và tích lũy kinh nghiệm trong công tác kiểm lâm. Với các anh, bảo vệ rừng không chỉ là trọng trách mà còn là tình yêu, là tâm huyết.
Anh Lê Văn Rồng - Trạm phó Trạm cơ động, Hạt kiểm lâm, Vườn Quốc gia U Minh Thượng bộc bạch: “Chúng tôi yêu quý rừng, bởi rừng cho chúng ta một môi trường xanh, đem lại sự sống cho con người. Thành thử nghề này có gian lao nhưng chúng tôi không bỏ nghề. Chúng tôi công tác nơi đây, chăm sóc rừng để rừng tiếp tục phát triển, mãi mãi một màu xanh tươi”.
Trong cái khí hậu của rừng xuân, sương đêm buông lạnh, cùng các anh chia sẻ chuyện nghề và những khó khăn, vui buồn trong cuộc sống, hơn hết là tình yêu của các anh đối với rừng. Với các anh có những người đã dành trọn tuổi thanh xuân vì sự tồn sinh của rừng U Minh Thượng. Chúng tôi nghe mà trân quý, mà cảm phục!
Bài và ảnh: THỦY TIÊN
(KGO) - Xuất phát từ tình yêu biển, đảo quê hương và tâm huyết đồng hành phát triển du lịch địa phương, chị Vũ Thị Diễm Thúy - Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Hòn Sơn, cùng bạn đầu tư kinh doanh resort Fly Up tại xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải (Kiên Giang).
Tổng số lượt truy cập: