20/02/2024 08:43
Dinh Cậu - thắng cảnh nổi tiếng tại Phú Quốc. Ảnh: HOÀNG GIÁM
Theo phương hướng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế tại Phú Quốc của UBND tỉnh Kiên Giang, đến năm 2025, Kiên Giang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, có thương hiệu bản sắc riêng, là một trong những trọng điểm du lịch của Việt Nam. Trong đó, Phú Quốc được biết đến như một trung tâm du lịch với các hệ sinh thái nghỉ dưỡng đẳng cấp, có chất lượng sống tốt nhất vùng Tây Nam Bộ.
Đến năm 2030, Kiên Giang trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, là cửa ngõ kết nối quan trọng của nền kinh tế du khách, định vị được thương hiệu phát triển bền vững trong khu vực ASEAN…Trong đó, định hướng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế với chất lượng dịch vụ - du lịch biển hàng đầu cả nước, khu vực Đông Nam Á và quốc tế…
Đến năm 2025, TP. Phú Quốc là đô thị loại I, trở thành thành phố du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế; đón khoảng 6,767 triệu lượt khách trong đó 5,854 triệu lượt khách quốc tế. Giai đoạn 2026-2030, Phú Quốc đón khoảng 27,710 triệu lượt khách, trong đó 23,459 triệu lượt khách quốc tế. Định hướng đến năm 2050, Phú Quốc đón khoảng 58,851 triệu lượt khách trong đó 42,370 triệu lượt khách quốc tế.
Cầu Hoàng Hôn ở phường An Thới. Ảnh: TÂY HỒ
Dự báo đến năm 2040, Phú Quốc sẽ đón khoảng 14,6 triệu lượt khách du lịch, tương đương với lượng khách du lịch đến Phuket (14,4 triệu lượt) và Bali (15,8 triệu lượt) trước thời điểm dịch bệnh bùng phát. Hiện nay, Phuket đang có khoảng 84.700 buồng phòng khách sạn, Bali có khoảng 110.000 buồng phòng khách sạn.
Theo các số liệu hiện có về các dự án du lịch đã, đang triển khai và có chủ trương cũng như tốc độ tăng trưởng số lượng buồng phòng của Phú Quốc trong những năm qua, đến 2040, Phú Quốc có thể có khoảng 120.000 buồng phòng lưu trú, nhưng con số này còn có thể cao hơn do có rất nhiều dự án trên địa bàn Phú Quốc đã được phê duyệt trong thời gian gần đây.
Với tình trạng số buồng phòng cung lớn hơn cầu (chiếm 55% thị trường), việc lập kế hoạch và thực hiện xây dựng thêm cơ sở lưu trú cần được chính quyền kiểm soát chặt chẽ, Phú Quốc cần chuyển đổi bớt diện tích đất dịch vụ du lịch sang đô thị đa chức năng và các loại hình kinh tế, dịch vụ đa dạng hơn. Chính quyền cần nghiên cứu đề xuất các giải pháp thu hút khách du lịch, nâng cao trải nghiệm của khách và tăng thời gian lưu trú trung bình.
Khách sạn Mường Thanh Phú Quốc. Ảnh: HOÀNG GIÁM
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho rằng về tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch Phú Quốc không thua kém bất cứ nơi nào. “Phú Quốc hiện đã có nhiều điểm, khu vui chơi, giải trí đẳng cấp quốc tế, rất nhiều du khách quốc tế đã chọn Phú Quốc khi tham quan, nghĩ dưỡng nên lượng khách quốc tế tăng mạnh thời gian trước và sau dịch Covid-19. Phú Quốc đã, đang và sẽ không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách”, đồng chí Huỳnh Quang Hưng nói.
Dự báo khách du lịch đến Phú Quốc vào năm 2040 sẽ tương đương với số lượt khách đến Bali và Phuket hiện tại. Tuy nhiên, Phú Quốc còn thiếu các tuyến bay và hiện công suất bay còn thấp hơn Bali và Phuket rất nhiều. Vì vậy, Phù Quốc phải tăng cường các đường bay nội địa và quốc tế, nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là một điều kiện để đẩy mạnh và thu hút phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu du lịch Phú Quốc có đặc trưng riêng, có sức hút mạnh mẽ với các hoạt động du lịch cũng như các điểm tham quan đa dạng, các nguồn cung cơ cơ lưu trú phong phú và dễ dàng tiếp cận.
Khách du lịch tham quan tại Safari Phú Quốc. Ảnh: HOÀNG GIÁM
Phú Quốc cần tiếp tục phát huy các giá trị của một đô thị du lịch biển đảo, tăng cường giá trị của du lịch đô thị gắn với các không gian sống thân thiện, văn hoá và dịch vụ; nâng cao chất lượng môi trường sống, dịch vụ và cảnh quan trong khu đô thị trung tâm và các khu đô thị hiện hữu, tạo cơ hội mới cho du lịch đô thị phát triển; điều chỉnh các dịch vụ du lịch bãi biển từ chỗ tách biệt du lịch thành khu vực biệt lập bằng việc đan xen hợp lý các chức năng đô thị, các không gian dịch vụ và phục vụ cộng đồng, để tăng tần suất và hiệu quả sử dụng công viên và các không gian công cộng.
Theo các chuyên gia quy hoạch phát triển du lịch, Phú Quốc cần thúc đẩy phát triển du lịch rừng nhằm khai thác tối đa các giá trị cảnh quan sinh thái khu vực Vườn quốc gia Phú Quốc. Ngoài các trung tâm vui chơi giải trí hiện có ở Phú Quốc, như công viên vui chơi giải trí VinWonders (Bãi Dài), khu vui chơi giải trí Sun World Hòn Thơm Nature Park (Hòn Thơm), Khu vui chơi giải trí Sailing Club (Bãi Trường)… đảo ngọc cần cung cấp thêm các dịch vụ tổ chức sự kiện hội nghị, hội thảo quy mô trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, chính quyền tận dụng, kết hợp các yếu tố nông nghiệp, văn hoá địa phương vào trải nghiệm của du khách… Cùng việc nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc để mở mới các chuyến bay nội địa, quốc tế; Phú Quốc cần nâng cấp mở rộng hệ thống cảng, bến thủy nội địa kết nối tuyến du lịch nội địa với các khu vực như Kiên Hải, Kiên Lương, An Minh, Cà Mau, Sóc Trăng và liên kết với Campuchia cũng như các nước khu vực lân cận.
Phú Quốc United Center. Ảnh: HOÀNG GIÁM
Theo Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng, Phú Quốc dần khẳng định là điểm yêu thích của du khách quốc tế. Hiện ngoài đường hàng không, đường tàu cao tốc, khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc rất đông bằng con đường tàu du lịch biển. Năm mới 2024, thành phố kỳ vọng rất nhiều về du lịch tàu biển, du thuyền.
Phú Quốc có vị trí quan trọng nhất đối với phát triển du lịch tỉnh Kiên Giang. Đây là trung tâm du lịch có thị trường khách quốc tế tăng nhanh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, tốc độ tăng trưởng các chỉ tiêu về du lịch đạt ở mức cao; vì vậy, công tác xúc tiến thị trường và định vị thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp có vai trò quan trọng đối với phát triển du lịch cho các khu du lịch trên địa bàn.
Đảo Ngọc chưa bao giờ giảm sức hút với du khách nhưng để đưa du lịch Phú Quốc lên đến đỉnh cao thì việc kết hợp giữa nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp là xu hướng tất yếu. Trong đó cần chú trọng khai thác bền vững giá trị các bãi biển, đảo, đa dạng sinh học biển, hệ sinh thái rừng vườn Quốc gia Phú Quốc; tài nguyên văn hoá là các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa gắn liền với cộng đồng ngư dân trên đảo.
Du khách trải nghiệm điều khiển rối nước sau show diễn "Rối Việt - trẩy hội mùa xuân" tại khu du lịch thị trấn Hoàng Hôn, khu vực Nam đảo Phú Quốc. Ảnh: TRUNG HIẾU
Theo quy hoạch tổng thể của Chính phủ đến 2030, Phú Quốc sẽ có 3 khu đô thị lớn, 15 khu du lịch sinh thái, 2 khu du lịch phức hợp và 5 sân golf…. Vì vậy, nếu xuất hiện thêm nhiều dự án đầu tư thì trong tương lai Phú Quốc sẽ còn phát triển và hấp dẫn hơn nữa với dòng vốn biến nơi đây trở thành “thiên đường nghỉ dưỡng và giải trí song hành” trên bản đồ du lịch thế giới.
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, đến năm 2030, tỉnh tập trung đầu tư và phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế tại Phú Quốc như: Xây dựng các khu du lịch vui chơi giải trí tại Bãi Thơm, Gành Dầu, Rạch Tràm, Rạch Vẹm, Bãi Dài, Vũng Bầu, Cửa Cạn, Bãi Sao... Tại các khu du lịch này đầu tư xây dựng các khu du nghỉ dưỡng biển, dịch vụ giải trí cao cấp, các loại hình du lịch cảm giác mạnh và du lịch gắn với bảo tồn sinh thái biển đảo.
Khách ngoại quốc tại Safari Phú Quốc. Ảnh: HOÀNG GIÁM
Tại khu vực Bãi Vòng, Vịnh Đầm, chính quyền kêu gọi đầu tư xây dựng các khu du lịch hỗn hợp, các dịch vụ đa năng kết hợp với dịch vụ đạt tiêu chuẩn cao. Huy động các nguồn lực xây dựng thành phố du lịch thông minh, số hoá hệ thống tài nguyên, phát triển hệ thống tương tác trực tuyến, tăng cường trải nghiệm cho du khách. Phú Quốc sẽ phát triển du lịch biển và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại Dương Đông, Bãi Bà Kèo, Bãi Trường, Bãi Đất Đỏ, Bãi Sao...
Phía Bắc đảo gồm phần đất liền và vùng nước ven bờ Cầu Trắng, đảo Hòn Một, Rạch Tràm và vùng biển ngoài khơi thuộc Nam cụm đảo An Thới phát triển du lịch tham quan hệ sinh thái tự nhiên. Khu vực từ Cửa Cạn đến Dương Đông và một số bãi biển nhỏ phía Bắc và Đông Bắc đảo phát triển du lịch gắn với bảo tồn cảnh quan bờ biển.
Cùng đó, phát triển du lịch văn hoá gắn với các di tích lịch sử - văn hoá, di tích lịch sử cách mạng, làng chài truyền thống, các điểm lẽ hội văn hoá... Hình thành khu du lịch thể thao, vui chơi giải trí, mua sắm tại các khu đô thị Dương Đông, Dương Tơ, Hàm Ninh... và phát triển du lịch bổ trợ ở các khu vực nuôi trồng thuỷ sản, trang trại, làng nghề truyền thống.
Ngắm hoàng hôn tại một gành đá ở Nam đảo Phú Quốc. Ảnh: HOÀNG GIÁM
Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, Phú Quốc đang tập trung nhiều giải pháp thu hút khách quốc tế. Theo đó, thành phố khuyến khích các doanh nghiệp làm du lịch không ngừng nâng chất sản phẩm, phát triển sản phẩm du lịch mới độc đáo, đa dạng và đẳng cấp cũng như có những chương trình khuyến mãi, thu hút khách đến đảo ngọc nhiều hơn. Bên cạnh đó, Phú Quốc sẽ tập trung làm tốt vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.
(KGO) - Xuất phát từ tình yêu biển, đảo quê hương và tâm huyết đồng hành phát triển du lịch địa phương, chị Vũ Thị Diễm Thúy - Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Hòn Sơn, cùng bạn đầu tư kinh doanh resort Fly Up tại xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải (Kiên Giang).
Tổng số lượt truy cập: