14/07/2023 10:01
Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, huyện Kiên Lương, TP. Hà Tiên, vùng U Minh Thượng có những đặc điểm khác nhau, song không kém phần đặc sắc với nhiều giá trị về cảnh quan, hệ sinh thái và văn hóa lịch sử. Mặc dù có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, tuy nhiên thời gian qua du lịch của các vùng này còn hạn chế.
6 tháng đầu năm 2023, Kiên Giang đón trên 4,9 triệu lượt du khách, trong đó có trên 350.000 khách quốc tế. Phú Quốc (Kiên Giang) đón trên 3,3 triệu lượt du khách, chiếm 67,3%; TP. Hà Tiên đón 1,1 triệu lượt, chiếm 22,4%; huyện Kiên Lương đón 124.000 lượt, chiếm gần 3% tổng lượt khách du lịch đến Kiên Giang.
Du khách tham quan Di tích Quốc gia Căn cứ Ban An ninh khu IX, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang).
Theo đồng chí Bùi Quốc Thái - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, Kiên Lương, TP. Hà Tiên, vùng U Minh Thượng có lợi thế cảnh quan biển, rừng và văn hóa, lịch sử. Song thời gian qua sản phẩm du lịch các địa phương này chưa phong phú, chưa được nhiều doanh nghiệp đầu tư khai thác du lịch; việc triển khai thực hiện quy hoạch phát triển các khu, điểm du lịch chậm.
Bên cạnh đó, nhiều nơi đầu tư kinh doanh du lịch tự phát, manh mún, chất lượng thấp; giao thông, điện, nước sạch và xử lý rác thải một số khu vực đất liền và các đảo ở huyện Kiên Lương, TP. Hà Tiên chưa đáp ứng nhu cầu của du khách... Công tác quảng bá, kết nối tour, tuyến du lịch của địa phương chưa hiệu quả, chưa thu hút du khách.
Để thúc đẩy du lịch ở các địa phương này phát triển, Kiên Giang triển khai dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu di tích lịch sử thắng cảnh núi Mo So, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) và hồ Hoa Mai, huyện U Minh Thượng với nguồn vốn hơn 80 tỷ đồng.
Trong đó, ở huyện Kiên Lương đầu tư xây dựng hạng mục khu di tích lịch sử thắng cảnh núi Mo So với kinh phí theo dự toán trên 32 tỷ đồng; huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) đầu tư 3 hạng mục công trình với kinh phí dự toán trên 48 tỷ đồng gồm xây dựng khu di tích lịch sử thắng cảnh hồ Hoa Mai; nạo vét, vệ sinh lòng hồ và xây dựng cầu, cảnh vào hồ Hoa Mai.
Ngoài ra, Kiên Giang tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch các vùng du lịch trọng điểm của tỉnh với các dự án như đường vào khu du lịch Ba Hòn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang); nâng cấp, mở rộng đường trục chính vào điểm du lịch Cây Gòn, huyện U Minh Thượng; nâng cấp, mở rộng đường quanh núi Hòn Me, huyện Hòn Đất và dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) với tổng kinh phí 280 tỷ đồng.
Hòn Phụ Tử, huyện Kiên Lương (Kiên Giang).
“Những dự án này hoàn thành và sắp hoàn thành đưa vào sử dụng, phục vụ kết nối khách du lịch thuận tiện khi đến các khu du lịch của tỉnh Kiên Giang; đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách và phục vụ nghiên cứu khoa học các di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia. Ngoài bảo tồn nét văn hóa, phát triển du lịch, địa phương có điều kiện tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, đồng chí Bùi Quốc Thái chia sẻ.
Song song đó, Kiên Giang chú trọng quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch ở các vùng du lịch trọng điểm; dành quỹ đất cho phát triển du lịch để làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu và kêu gọi các dự án đầu tư.
Triển khai thực hiện hiệu quả các đề án về phát triển du lịch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt; huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại các vùng du lịch trong tỉnh; tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước...
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Xuất phát từ tình yêu biển, đảo quê hương và tâm huyết đồng hành phát triển du lịch địa phương, chị Vũ Thị Diễm Thúy - Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Hòn Sơn, cùng bạn đầu tư kinh doanh resort Fly Up tại xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải (Kiên Giang).
Tổng số lượt truy cập: