24/08/2022 07:25
Du lịch nông thôn được hiểu là chuỗi hoạt động, dịch vụ, tiện nghi được cung cấp ở khu vực nông thôn nhằm mục đích khai thác thế mạnh của vùng nông thôn như điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa, sinh hoạt, hoạt động nông nghiệp, cơ sở sản xuất truyền thống… của cộng đồng dân cư, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách.
Theo các doanh nghiệp, du lịch nông thôn đang trở thành xu hướng sau khi dịch COVID-19 lắng xuống. Đại dịch khiến con người nhận thấy rõ hơn giá trị và tầm quan trọng của sức khỏe, vì vậy, du lịch ngoài trời, trở về thiên nhiên là những trải nghiệm được nhiều du khách lựa chọn vào thời điểm hiện nay.
U Minh Thượng có lợi thế về ẩm thực, cảnh sắc làng quê, vườn cây trái, sản phẩm OCOP bên cạnh những di tích văn hóa lịch sử và điểm nhấn quan trọng nhất là Vườn Quốc gia U Minh Thượng khiến nơi đây có tiềm năng, lợi thế phát triển loại hình du lịch nông thôn phục vụ du khách.
“Sau thời gian bùng phát của đại dịch COVID-19, du khách có xu hướng tìm về không gian yên tĩnh, trong lành của vùng quê. Đây chính là cơ hội để du lịch U Minh Thượng khai thác loại hình du lịch nông thôn phục vụ khách”, đồng chí Quảng Xuân Lụa - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang nói.
Một góc Vườn Quốc gia U Minh Thượng - điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách.
Đoàn khảo sát cũng đánh giá cao sự thân thiện, cởi mở, chân tình của người dân vùng U Minh Thượng và cho rằng đây chính là tiền đề quan trọng để phát triển sản phẩm du lịch nông thôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, điểm “nghẽn” khiến du lịch U Minh Thượng chưa phát triển chính là hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch khó khăn. Các sản phẩm, dịch vụ còn đơn điệu, quy mô nhỏ lẻ, tự phát là chính, tính hệ thống và sự kết nối chưa cao…
Trên cơ sở đó, đoàn khảo sát cho rằng để khai thác tốt du lịch nông thôn, huyện U Minh Thượng cần dựa trên thực tế tài nguyên du lịch, xác định đâu là sản phẩm thế mạnh và sản phẩm mà du khách cần để tập trung đầu tư phát triển, tránh đầu tư dàn trải.
Đoàn khảo sát du lịch nghe thuyết minh viên giới thiệu về Di tích Lịch sử An ninh Khu IX, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang).
“Thời gian tới, U Minh Thượng cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch tại điểm đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch; cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn điểm đến để thu hút khách du lịch. Sau chuyến khảo sát, Vietravel Rạch Giá sẽ thành lập tổ công tác, trở lại địa phương khảo sát thật kỹ các điểm đến, qua đó hình thành sản phẩm du lịch vùng Miệt thứ và có thể khai thác ngay trong tháng 10 này”, ông Du Tố Tuấn - Giám đốc Công ty Vietravel chi nhánh Rạch Giá chia sẻ.
Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang Quảng Xuân Lụa khẳng định: “Trước mắt, U Minh Thượng tập trung khai thác sản phẩm đang có, trong đó chú trọng cảnh quan, môi trường tự nhiên sạch, đẹp nhằm tạo ấn tượng với du khách. Về lâu dài, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang tiếp tục đồng hành với địa phương trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch U Minh Thượng đến các thị trường du lịch trong và ngoài tỉnh nhằm thu hút khách du lịch đến địa phương nhiều hơn…”.
Đồng chí Nguyễn Quốc Khởi - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) cho biết: “Địa phương tiếp tục vận động người dân, doanh nghiệp đầu tư loại hình du lịch homestay kết hợp với canh tác sản xuất nông nghiệp qua các mô hình rau màu, vườn trái cây, các sản phẩm đặc trưng và ẩm thực... Khi khách du lịch đến đây sẽ trải nghiệm các hoạt động như canh tác lúa nước, đánh bắt cá truyền thống, gác kèo ong, làm bánh truyền thống, làm các đồ dùng sinh hoạt trong nông nghiệp…”. |
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Xuất phát từ tình yêu biển, đảo quê hương và tâm huyết đồng hành phát triển du lịch địa phương, chị Vũ Thị Diễm Thúy - Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Hòn Sơn, cùng bạn đầu tư kinh doanh resort Fly Up tại xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải (Kiên Giang).
Tổng số lượt truy cập: