03/06/2022 15:37
Cách Ba Hòn khoảng 20km về phía tây nam, sau thời Pháp thuộc, Hòn Nghệ gần như là một hoang đảo với ít người dân sinh sống. Nhờ vùng biển cá, tôm dồi dào nên đảo ngày càng thu hút người dân đến định cư. Xã Hòn Nghệ có hơn 600 hộ dân sống ở hai ấp Bãi Nam và Bãi Chướng, đa số làm nghề khai thác hải sản, nhiều người thoát nghèo nhờ nuôi cá lồng bè.
Đồng chí Nguyễn Hữu Thành - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòn Nghệ cho biết: “Hòn Nghệ hay còn gọi Hoàng Long đảo hoặc đảo Minh Hòa có diện tích gần 4km². Năm 2017, đảo có lưới điện quốc gia, đời sống người dân được cải thiện. Tuy cơ sở hạ tầng của đảo chưa đủ để trở thành đảo du lịch nhưng người dân thân thiện và chào đón du khách mọi miền đến thăm đảo”.
Đến Hòn Nghệ, ấn tượng đầu tiên với tôi là lồng bè nuôi cá dày đặc trên biển. Những lồng bè bằng thân cây bạch đàn, thùng phuy và lưới cước được kết vào nhau, nuôi các loại cá bớp, cá mú, cá rô biển, cá chuộng... Mỗi năm lồng bè nuôi cá phải dời ít nhất hai lần, vào mùa gió nam sẽ dời sang Bãi Chướng, mùa gió chướng quay trở lại Bãi Nam nhằm tránh sóng. Hòn Nghệ có một số bãi tắm không quá lớn nhưng nước biển trong và sạch. Đến đây, du khách có thể thả hồn mình vào biển xanh, mây trắng, nắng vàng và thưởng thức khung cảnh bình yên trên đảo mỗi buổi sáng sớm hoặc hoàng hôn.
“Đi khoảng 2 tiếng từ bến tàu Ba Hòn (Kiên Lương), tôi có mặt tại Hòn Nghệ. Hòn Nghệ không chỉ có những bãi biển nên thơ, trữ tình mà còn sở hữu một số hang động đẹp làm tôi tò mò. Từ ngoài nhìn vào, tôi không thấy hang động nào. Khi vào đến chùa Liên Tôn là bước vào những chuỗi hang động tuyệt đẹp. Ở đây cảnh đẹp, người dân mến khách”, chị Nguyễn Hồng Thủy, ngụ TP. Cần Thơ chia sẻ.
Du khách và người dân Hòn Nghệ khởi hành lặn biển mò ốc, sò, nhum…
Đến với Hòn Nghệ chắc chắn du khách phải thưởng thức hải sản tươi ngon. Hòn Nghệ có nhiều món ngon, trong đó phải kể đến là cá chuộng nướng mọi béo ngậy, mực nướng nóng hổi. Hấp dẫn nhất là ốc nướng và vọp nướng mỡ hành, chấm muối tiêu chanh. Trên đảo có một số quán ăn nhỏ bình dân phục vụ người dân và du khách, du khách có thể ăn sáng ở các quán ăn này và đặt người dân nấu cơm trưa, làm các món hải sản mình yêu thích. Ngoài ra, du khách có thể mua hải sản từ các bè nuôi của ngư dân rồi nhờ họ chế biến…
Theo lãnh đạo xã Hòn Nghệ, thời gian tới, hai cầu tàu ở Bãi Nam và Bãi Chướng sẽ được đầu tư khang trang hơn, có tàu cao tốc nối đảo nhằm rút ngắn thời gian từ Ba Hòn ra đảo. Đó là cơ hội để thu hút du khách, nhất là những người hành hương viếng Liên Tôn cổ tự tọa lạc mũi Đá Chuông và tham quan nhiều hang động như hang Phật Cô Đơn, hang Đạt Ma Sư Tổ, hang Quýt, hang Dấu Ấn Gia Long…
Đồng chí Nguyễn Hữu Thành chia sẻ: “Xã đảo Hòn Nghệ có khả năng khai thác du lịch tâm linh và du lịch khám phá. Năm 2022, xã đề ra mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn xã. Thời gian tới, xã Hòn Nghệ tiếp tục kêu gọi đầu tư về chỗ nghỉ, phương tiện đi lại từ đất liền ra đảo gắn phát triển một số trò chơi leo núi, tắm biển. Xã duy trì, sắp xếp lại nghề nuôi cá lồng bè, xây dựng làng nghề và mô hình dịch vụ trên làng nghề; kết hợp các ngành liên quan đào tạo, thu hút nguồn nhân lực du lịch”.
Theo đồng chí Thành, để đạt được mục tiêu đề ra, xã Hòn Nghệ tạo điều kiện phát triển du lịch theo hướng homestay, làng bè. Tiếp tục phát hiện, xây dựng mô hình có sự khác biệt gắn khám phá lặn biển. Nâng cao nhận thức, đạo đức kinh doanh của người dân trên cơ sở phát huy truyền thống của người Việt. Chấn chỉnh hành vi phản cảm, vô ý thức chặt chém du khách. Song song đó, xã xây dựng, phát triển mô hình cây ăn trái, khám phá rừng nguyên sinh...
Bài và ảnh: THỦY TIÊN
(KGO) - Xuất phát từ tình yêu biển, đảo quê hương và tâm huyết đồng hành phát triển du lịch địa phương, chị Vũ Thị Diễm Thúy - Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Hòn Sơn, cùng bạn đầu tư kinh doanh resort Fly Up tại xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải (Kiên Giang).
Tổng số lượt truy cập: