29/03/2022 15:42
TÍN HIỆU VUI
Từ năm 2004, Vườn quốc gia U Minh Thượng được Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý mở dịch vụ du lịch sinh thái. Đồng chí Trần Văn Thắng - Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng cho biết, nhờ cảnh quan thiên nhiên, môi trường trong lành, lượng khách du lịch đến tham quan ngày càng nhiều. Tuy vậy, khoảng hai năm trở lại đây, do dịch COVID-19 cùng với việc hàng năm đóng cửa trung bình từ hai tháng mùa khô để bảo đảm công tác phòng, chống cháy rừng đã ảnh hưởng đến lượng du khách đến đây.
Năm 2021, Vườn quốc gia đón tiếp và phục vụ trên 26.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch sinh thái (chỉ đạt 38% kế hoạch do từ ngày 13-5-2021 tạm ngừng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19). Đến ngày 20-1-2022, Vườn quốc gia U Minh Thượng chính thức mở cửa đón khách trở lại. Sau 45 ngày mở cửa với trên 11.000 lượt khách đến tham quan cho thấy, du khách dần trở lại với vườn quốc gia này.
Có mặt từ rất sớm, ông Vũ Văn Chất, du khách đến từ thủ đô Hà Nội cho biết ông ngạc nhiên khi được ngắm hệ sinh thái đất ngập nước với lau sậy, cây bồn bồn, bông súng…, nhất là bạt ngàn rừng tràm; đặc biệt thích thú với màu nước đỏ ở đây cùng nhiều loại chim rừng, dơi, khỉ… Sau khi tham quan thiên nhiên rừng tràm U Minh Thượng, ông và các thành viên trong đoàn đều lựa chọn đặc sản nơi đây về làm quà biếu người thân như mật ong, mắm cá lưỡi trâu...
Theo quan sát của phóng viên, tại Vườn quốc gia U Minh Thượng trong ngày còn có khoảng 200 du khách đến từ các tỉnh Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Hậu Giang... và cả các địa phương trong tỉnh về đây vui chơi, ngắm cảnh. Thầy Trí, giáo viên Trường Tiểu học Thạnh Đông 1 (Tân Hiệp) cho biết, tuy ở huyện gần bên nhưng đây là lần đầu thầy cùng các cán bộ, giáo viên của trường đến Vườn quốc gia U Minh Thượng.
Du khách tham quan Vườn quốc gia U Minh Thượng.
Theo thầy Trí, chuyến đi này không chỉ tham quan cảnh thiên nhiên rừng ngập nước đất U Minh mà còn ghi nhận những giá trị lịch sử, văn hóa để truyền đạt cho học sinh thông qua các hoạt động về điều kiện tự nhiên, bảo vệ môi trường… Thích thú với hoạt động câu cá, anh Nguyễn Văn Đông đến từ huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau chia sẻ, anh rất đam mê với nghề săn bắt cá đồng nên chỉ đến nơi đây mới còn cá đồng nguyên thủy bản địa vùng đất U Minh. Thường nhóm của anh có khoảng 4-6 người đi từ 4 giờ sáng, tranh thủ vào sâu bên trong để thỏa niềm đam mê câu cá.
Theo hướng dẫn viên du lịch Vườn quốc gia U Minh Thượng Trương Bé Diễm, du khách đến tham quan, giải trí, câu cá đông thường vào dịp lễ, tết hoặc cuối tuần. Du khách đến đây thường tham quan hệ sinh thái ngập nước, ngắm bồn bồn, lau sậy, bông súng, chim trời, máng dơi; hệ sinh thái rừng tràm tái sinh, các chòi canh rừng để ngắm toàn cảnh rừng tràm…
HỨA HẸN NHIỀU TRIỂN VỌNG
Theo đồng chí Trần Văn Thắng, công tác phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia U Minh Thượng hiện còn gặp khó khăn. Hiện tại các hoạt động du lịch tại Vườn quốc gia U Minh Thượng tập trung vào các loại hình du lịch như du lịch khám phá hệ cảnh quan thiên nhiên rừng tràm trên đất ngập nước úng phèn; khám phá rừng tràm; vui chơi, giải trí; tham quan di tích lịch sử kết hợp tham quan cộng đồng cư dân địa phương; du lịch kết hợp với nghiên cứu, giáo dục… Về dịch vụ bổ trợ, vườn hiện có gần 20 phòng nghỉ; 1 nhà truyền thống, quầy bán hàng lưu niệm...
Đồng chí Trần Văn Thắng cho biết, để từng bước thực hiện phát triển du lịch theo định hướng của Ủy ban nhân dân tỉnh, Vườn quốc gia sẽ nâng cao vai trò quản lý và hoàn thiện cơ chế, phương thức, bộ máy tổ chức hoạt động du lịch; đồng thời tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; đầu tư các hạng mục về cơ sở hạ tầng, thông tin, liên lạc tại các tuyến, điểm du lịch; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ phát triển các sản phẩm du lịch mới, mang tính trải nghiệm, nghiên cứu khoa học; xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch mới hàng năm...
Du khách tham quan Vườn quốc gia U Minh Thượng.
Bên cạnh đó, Vườn quốc gia có cơ chế đãi ngộ đối với các công ty lữ hành truyền thống; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nguồn nhân lực phục vụ du lịch; xây dựng kế hoạch và lập đề án tuyển dụng nhân viên có trình độ, chuyên môn và năng lực để bố trí, sử dụng; xây dựng phương án trả lương đối với cán bộ, nhân viên làm việc hướng trả lương theo hiệu quả công việc được giao; duy trì và tăng cường công tác quản lý về bảo vệ cảnh quan, vệ sinh môi trường, xử lý rác thải tại các tuyến; xây dựng khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia U Minh Thượng trở thành điểm du lịch thân thiện, mến khách.
Vườn quốc gia U Minh Thượng có diện tích 21.107ha, trong đó vùng lõi hơn 8.000ha, vùng đệm hơn 13.000ha. Khu vực này là một trong những vùng đất ngập nước quan trọng nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ở Việt Nam, trong hệ sinh thái rừng tràm ngập phèn chỉ còn duy nhất hệ thực vật rừng của Vườn quốc gia U Minh Thượng có những đặc điểm của rừng cực đỉnh nguyên sinh, đó là các ưu hợp của rừng hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn. Hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn trở thành một hệ sinh thái có tầm quan trọng đặc biệt, là nơi nuôi dưỡng, trú ngụ của nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm, đặc trưng và nguy cấp.
Du khách xem những đặc sản U Minh Thượng để mua làm quà.
Vườn quốc gia U Minh Thượng là một điểm đến du lịch còn rất mới, thời gian khai thác còn ít, rất nhiều tiềm năng du lịch ở đây còn nguyên vẹn và hứa hẹn nhiều triển vọng. Dù với cơ sở hạ tầng du lịch còn hạn chế, song hiện nay trong Vườn quốc gia còn nhiều tiềm năng để phát triển du lịch bền vững, có chất lượng, cung cấp trải nghiệm có ý nghĩa cho du khách yêu thích đi đến những vùng thiên nhiên và văn hóa đặc sắc; đóng góp cho công tác bảo tồn và phát triển của địa phương.
Bài và ảnh: PHƯƠNG ANH
(KGO) - Nằm giữa biển khơi, cách TP. Rạch Giá (Kiên Giang) khoảng 65 km, Hòn Sơn (thuộc xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) mang đến cho chúng tôi cảm giác như lạc vào một thế giới khác, nơi thời gian như ngừng lại, nhịp sống trôi chậm rãi giữa thiên nhiên xanh mướt và sóng biển rì rào.
Tổng số lượt truy cập: