10/10/2023 14:06
Tại khu căn cứ còn có ngôi đình Nguyễn Trung Trực. Đình được xây dựng theo kiến trúc đình Việt Nam, trước cổng ghi hai câu thơ của nhà thờ Huỳnh Mẫn Đạt viết về hai chiến công của Nguyễn Trung Trực: “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”.
Khu căn cứ ngày nay nằm yên bình bên con rạch bắt nguồn từ ngọn núi trong khu vực rừng nguyên sinh, không khí trong lành và thoáng đãng. Nơi đây còn lưu giữ một số hiện vật thô sơ được cho là vũ khí của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực dùng đánh Pháp. Những hiện vật này được người dân tìm thấy trong quá trình đào đất trong khu vực quanh ngôi đình.
Ngoài ra, còn có chiếc ghe (hư nặng) được cho là nghĩa quân Nguyễn Trung Trực dùng chở lương thực lúc nghĩa quân ở Phú Quốc…
Ông Huỳnh Văn Dũng - Phó Ban bảo vệ khu căn cứ kháng chiến của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực xã Cửa Cạn khẳng định, khu căn cứ nghĩa quân Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực chính là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, anh dũng chống giặc ngoại xâm của các bậc tiền nhân. Đây còn là địa chỉ đỏ giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí quật cường đối với thế hệ trẻ.
"Những năm tháng đấu tranh của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực trước thực dân Pháp và tay sai đã viết thành một bản anh hùng ca về chủ nghĩa yêu nước, ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước, là niềm tự hào của nhân dân Kiên Giang và dân tộc Việt Nam", ông Huỳnh Văn Dũng tự hào nói.
Bà Nguyễn Thanh Tuyền - du khách từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Đến thăm khu căn cứ kháng chiến của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực xã Cửa Cạn, chúng tôi càng khâm phục tinh thần yêu nước của ông Nguyễn và nghĩa quân. Tôi hiểu thêm những nhân vật, sự kiện lịch sử tiêu biểu, từ đó nhân niềm tự hào, tiếp thêm ngọn lửa về tinh thần yêu nước, cách mạng”.
Để khai thác giá trị lịch sử về nghĩa quân Nguyễn Trung Trực và thưởng ngoạn cảnh đẹp tại Phú Quốc, một số công ty du lịch khai thác tour khám phá sông Cửa Cạn bằng thuyền kayak; trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa dọc theo con sông để mọi người có thể tưởng nhớ về vị anh hùng dân tộc cùng nghĩa quân một thời chinh chiến ngay tại trên dòng sông yên bình, thơ mộng này...
Chiếc thuyền được cho là của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực dùng chở quân lương khi đóng quân ở Phú Quốc.
Theo sử sách ghi lại, sau khi lãnh đạo nghĩa quân đốt tàu Pháp trên vàm Nhựt Tảo (Long An) năm 1861, ông Nguyễn Trung Trực (1838-1868) cùng nghĩa quân rút về Kiên Giang xây dựng căn cứ mới.
Tại đây, ông lập nên nhiều chiến công hiển hách; trong đó có chiến công chỉ huy nghĩa quân đánh chiếm, làm chủ đồn Rạch Giá vào năm 1868. Bị thua đau, giặc Pháp và tay sai điên cuồng đánh phá nên nghĩa quân lui về Hòn Chông.
Đến tháng 8-1868, Nguyễn Trung Trực bỏ căn cứ Hòn Chông cùng nghĩa quân rút ra Phú Quốc, lập căn cứ tại vùng rừng ở xã Cửa Cạn. Tại đây, ông tổ chức những đoàn thuyền nhỏ, lợi dụng địa hình sông ngòi chằng chịt để tấn công kẻ thù.
Giặc Pháp bắt mẹ của Nguyễn Trung Trực cùng gia đình nhiều binh sĩ thuộc quyền gây áp lực buộc ông và nghĩa quân quy hàng. Nguyễn Trung Trực đành chấp nhận giao mình cho giặc để cứu mẹ, cứu người thân của nghĩa quân cùng sự an nguy của cư dân trên đảo.
Địch bắt ông về Sài Gòn thẩm vấn, chiêu dụ đủ đường. Trước âm mưu mua chuộc, dụ dỗ được ban chức tước, hậu lộc của kẻ thù, Nguyễn Trung Trực hiên ngang nói lời bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, mới hết người Nam đánh Tây”.
Biết không thể chiêu dụ được Nguyễn Trung Trực, giặc Pháp đem ông về Rạch Giá xử chém ngày 27-10-1868, lúc Nguyễn Trung Trực 31 tuổi… Sau khi người anh hùng mất, cảm mến lòng quả cảm, yêu nước của ông, nhân dân nhiều nơi lập cơ sở thờ và suy tôn Nguyễn Trung Trực là anh hùng dân tộc.
Bài và ảnh: NGUYỄN TRUNG
(KGO) - Nằm giữa biển khơi, cách TP. Rạch Giá (Kiên Giang) khoảng 65 km, Hòn Sơn (thuộc xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) mang đến cho chúng tôi cảm giác như lạc vào một thế giới khác, nơi thời gian như ngừng lại, nhịp sống trôi chậm rãi giữa thiên nhiên xanh mướt và sóng biển rì rào.
Tổng số lượt truy cập: