10/02/2023 15:02
Đại diện các nhà mạng trong nước vừa cho biết hệ thống NOC (Ban quản trị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế) đã thông báo kế hoạch sửa chữa 3 cáp quang biển APG (Asia Pacific Gateway), AAG (Asia, America Gateway) và IA (Intra Asia, còn gọi là Liên Á) vào giữa tháng 3 và đầu tháng 4.
Cụ thể, với tuyến APG, lỗi trên nhánh S6 dự kiến sẽ được sửa chữa nhánh từ ngày 22 đến 27-3. Còn lỗi trên nhánh S9 từ ngày 5 đến 9-4. Sự cố trên tuyến AAG dự kiến được sửa chữa từ ngày 30-3 đến 4-4.
Tuyến cáp IA đang trong quá trình xin cấp phép và đăng ký tàu sửa chữa. Thời gian dự kiến sửa chữa là giữa tháng 3.
Ngoài sự cố ở 3 tuyến cáp quang biển nêu trên, tuyến AAE-1 (Asia-Africa-Euro 1) cũng đang gặp sự cố do bị lỗi dò nguồn tại vị trí sát vùng biển thuộc Hong Kong (Trung Quốc). Tuy nhiên, hiện hệ thống NOC chưa thông báo kế hoạch sửa chữa. Như vậy, theo kế hoạch, phải đến cuối tháng 3, thậm chí trung tuần tháng 4, chất lượng Internet Việt Nam đi quốc tế mới có thể tốt hơn.
Internet giờ không chỉ là dịch vụ viễn thông, mà là thành phần quan trọng của hạ tầng nền kinh tế, xã hội. Thời điểm hiện tại, 4/5 tuyến cáp quang biển Internet là AAG, APG, AAE-1 và IA (Liên Á) đều đồng thời gặp sự cố khiến kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng rõ nét.
Đầu tháng 2-2023, Liên Á là tuyến cáp biển thứ 2 gặp sự cố trong năm nay. Cụ thể, trưa 28-1, tuyến cáp biển Liên Á (Intra Asia viết tắt là cáp biển IA) bị đứt tại vị trí cách trạm cập bờ Singapore của tuyến cáp khoảng 130km. Sự cố làm mất toàn bộ dung lượng kết nối Internet quốc tế từ Việt Nam đi Singapore trên tuyến cáp này.
Có tổng chiều dài 6.800km, cáp biển Liên Á kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hong Kong (Trung Quốc) và Nhật Bản nên đây là tuyến cáp quang quan trọng để trung chuyển lưu lượng Internet từ Việt Nam và các quốc gia khu vực châu Á đến châu Mỹ, châu Âu.
Ảnh minh họa.
Trước đó, đúng 30 tết (ngày 21-1) tuyến cáp quang biển quốc tế AAG cũng gặp sự cố trên nhánh S9 hướng kết nối đi Singapore. Sự cố đã làm mất toàn bộ dung lượng Internet trên tuyến cáp APG hướng kết nối Việt Nam đi Singapore và Nhật. Khi tuyến cáp APG bị lỗi, các nhà mạng tại Việt Nam đã phải bù khoảng 50-60% dung lượng kết nối đi quốc tế lên các tuyến cáp khác. Cụ thể, lưu lượng được phân bổ qua hệ thống cáp đất liền phía Bắc rồi tới Hong Kong (Trung Quốc), qua đất liền phía Tây Nam rồi tới Singapore. Đây cũng là các điểm trung chuyển lưu lượng Internet lớn của châu Á - Thái Bình Dương.
Ngày 26-12-2022, tuyến cáp APG gặp sự cố trên phân đoạn S6 gần Hong Kong (Trung Quốc). Cuối tháng 11-2022, tuyến cáp AAE-1 cũng gặp sự cố đồng tời trên 2 nhánh là S1H.1 hướng Hong Kong (Trung Quốc) và S1H.3 hướng đi Singapore. Đến ngày 14-1-2023 nhánh cáp đi Singapore được sửa xong nhưng sự cố trên nhánh cáp kết nối đến Hong Kong (Trung Quốc) vẫn chưa được khắc phục.
Hiện tại, 4/5 tuyến cáp quang biển kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế đều đang gặp sự cố. Tuyến cáp quang biển duy nhất đang hoạt động bình thường là SMW-3. Tuy nhiên, SMW-3 là tuyến cáp cũ, dung lượng khả dụng thấp và không đóng góp nhiều cho đường truyền Internet đi quốc tế của Việt Nam.
Thống kê những năm gần đây, mỗi năm có khoảng 10 sự cố trên các tuyến cáp quang biển. Đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, sự cố trên các tuyến cáp quang là không hiếm nhưng cũng không thể lường trước. Trước đây, khi 1 hay 2 tuyến cáp đồng thời gặp sự cố, các nhà mạng Internet Việt Nam đều có hướng xử lý, khắc phục khá nhanh chóng bằng cách san sẻ lưu lượng Internet giữa các tuyến cáp. Tuy nhiên, kịch bản gần như tất cả các kênh cáp biển đều gặp sự cố là việc rất hy hữu. Hiện các tuyến cáp Internet chạy trên đất liền không thể nâng cấp nhanh chóng được do hạn chế về thiết bị cùng nhiều yếu tố khác.
Việc khắc phục sự cố trên các tuyến cáp quang biển phụ thuộc vào mức độ sự cố, thời tiết trên biển, thời gian xin phép tiếp cận vùng biển của các quốc gia để tiến hành sửa chữa, cùng nhiều yếu tố khác. Do vậy, tình trạng Internet chập chờn, tốc độ đường truyền, tải dữ liệu Internet quốc tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trong vài tuần tới.
Đại diện các nhà mạng lớn của Việt Nam (Viettel, Vinaphone) đều cam kết đã, đang tích cực làm việc với đơn vị quản lý các tuyến cáp, đối tác quốc tế để nhanh chóng xử lý, bảo đảm cung cấp dịch vụ cho các khách hàng.
T.T (Theo VietnamPlus)
(KGO) - Trong năm nay, Meta đã gỡ bỏ hơn 15.000 liên kết (URL) chứa nội dung lừa đảo tại Việt Nam và hơn 9.000 URL giả mạo WhatsApp, Facebook, Meta, Instagram, Threads và Reality Labs tại Singapore.
Tổng số lượt truy cập: