12/07/2021 10:59
Trang web so sánh giá phổ biến của Thụy Sĩ, Comparis.ch, đã bị đóng cửa do bị tấn công mạng bằng mã độc tống tiền với yêu cầu phải nộp cho tin tặc 400.000 USD (370.000 CHF) tiền điện tử.
Trang Comparis.ch, thu hút khoảng 80 triệu lượt truy cập mỗi năm, được người tiêu dùng sử dụng để so sánh giá của các giao dịch như bảo hiểm và thế chấp.
Cuộc tấn công bắt đầu vào ngày 7-7 và đến ngày 8-7 trang web đã phải đóng cửa. Trong một tuyên bố, công ty chủ quản của Comparis cho biết rằng họ có thể sớm đưa trang web hoạt động trở lại mà không có bất kỳ dữ liệu khách hàng nào bị xâm phạm.
Tin tặc tấn công trang Comparis.ch và tống tiền 400.000 USD.
Theo phát ngôn viên của Comparis, công ty sẽ không đáp ứng yêu cầu trả tiền chuộc của tin tặc. Danh tính hoặc vị trí của kẻ tấn công mạng không được xác định và yêu cầu tiền chuộc có dạng URL được cấy ghép trong một khu vực an toàn của hệ thống công nghệ thông tin.
Các cuộc tấn công mã độc tống tiền (ransomware) dường như ngày càng thường xuyên hơn trên toàn thế giới. Các vụ tấn công mã độc tống tiền nổi tiếng cũng đang gây xôn xao dư luận, chẳng hạn như khi hàng nghìn công ty trên toàn thế giới, bao gồm một chuỗi siêu thị ở Thụy Điển, bị tê liệt bởi cuộc tấn công gần đây nhằm vào nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin Kaseya của Mỹ.
Công ty dầu khí Colonial Pipeline của Mỹ cũng bị tấn công hồi tháng Năm vừa qua và phải trả tiền chuộc bằng tiền điện tử bitcoin để lấy lại nguồn cung cấp trực tuyến, mặc dù Cục Điều tra Liên bang (FBI) cho biết họ đã thu hồi phần lớn tiền điện tử đã được thanh toán.
Tháng trước, công ty JBS của Brazil, nhà chế biến thịt lớn nhất thế giới có phạm vi hoạt động rộng ở nhiều nước đã phải đối mặt với sự gián đoạn hoạt động lớn trước khi phải trả tiền chuộc cho các tin tặc.
Tại Thụy Sĩ, công ty đường sắt Stadler đã bị tấn công vào năm ngoái và dữ liệu bí mật bị công khai vì từ chối trả tiền chuộc.
Tuần trước, Văn phòng Năng lượng Liên bang Thụy Sỹ đã công bố một báo cáo cho thấy một số công ty cung cấp điện vẫn dễ bị tấn công mạng, bất chấp những nỗ lực tăng cường phòng thủ công nghệ thông tin.
Nguồn: VietnamPlus
(KGO) - Trong năm nay, Meta đã gỡ bỏ hơn 15.000 liên kết (URL) chứa nội dung lừa đảo tại Việt Nam và hơn 9.000 URL giả mạo WhatsApp, Facebook, Meta, Instagram, Threads và Reality Labs tại Singapore.
Tổng số lượt truy cập: