11/11/2021 14:54
Giới chức Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố các nỗ lực vận động hành lang của các công ty công nghệ lớn nhằm chi phối việc thông qua hai dự luật công nghệ mới của EU là "hành động vô ích".
Phát biểu ngày 8/11, Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton nêu rõ: "Tiến độ là quan trọng. Chúng ta (EU) cần phải thông qua Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) trong nửa đầu năm 2022. Chúng ta cũng cần kiên định trong các phản ứng nhằm đạt được mục tiêu lớn nhất của mình".
Tuyên bố trên được ông Breton đưa ra sau cuộc gặp với bà Frances Haugen, cựu Giám đốc sản phẩm phụ trách Bộ phận Thông tin dân sự sai lệch của Facebook, đang có mặt tại Brussels (Bỉ) để tham dự phiên điều trần tại Nghị viện châu Âu (EP).
Trong phiên điều trần kéo dài 2 tiếng ngày 8-11 trước các thành viên Nghị viện châu Âu (EP), bà Haugen khẳng định EU có thể thiết lập "tiêu chuẩn vàng" trên phạm vi toàn cầu về kiểm soát sức mạnh của các công ty công nghệ lớn, thúc đẩy châu Âu đưa ra các đạo luật mới nhằm giới hạn tầm ảnh hưởng của những "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ.
Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton.
Bà Haugen cho biết: "Tôi biết ơn vì EU đang rất coi trọng vấn đề này. DSA hiện đã được trình lên nghị viện, có khả năng trở thành một tiêu chuẩn vàng toàn cầu".
Theo bà, đây là một văn kiện có "tiềm năng rất lớn" và các quy tắc của EU "có thể truyền cảm hứng cho các quốc gia khá".
Tại phiên điều trần này, bà Haugen một lần nữa cáo buộc Facebook đã chọn lợi nhuận, thay vì lọc các nội dung độc hại với người dùng, đồng thời nêu rõ rằng không thể tin tưởng rằng công ty này sẽ "tự thay đổi cách thức hoạt động của mình".
Việc bà Haugen tiết lộ một khối lượng tài liệu lớn về các vấn đề nội bộ của Facebook đã châm ngòi cho làn sóng chỉ trích kéo dài suốt nhiều tuần qua đối với "gã khổng lồ" truyền thông xã hội này, đồng thời là một cú hích lớn đối với các nỗ lực siết chặt các quy định nhằm vào hoạt động của các công ty công nghệ lớn trên toàn cầu.
Trước khi đến Brussels, bà Haugen cũng đã đưa ra những quan điểm của mình về Facebook trong các phiên điều trần tại Washington (Mỹ) và London (Anh), tiếp đó sẽ là tại Paris (Pháp).
EU đang thúc đẩy việc thông qua DMA và DSA nhằm buộc các công ty công nghệ lớn nhất thế giới phải điều chỉnh phương thức kinh doanh. DSA được kỳ vọng có thể giám sát chặt chẽ hơn nữa các nội dung có hại và bất hợp pháp trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook.
Trong khi đó, DMA nêu ra một danh sách những điều được phép và không được phép thực hiện đối với các công ty công nghệ lớn, trong đó có thể bao gồm một lệnh cấm việc mua lại một số công ty nhất định.
Cả hai dự luật đang EP và chính phủ các nước thuộc EU xem xét với hy vọng rằng chúng có thể được hoàn thiện trong thời gian Pháp đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên EU từ ngày 1/1-30/6/2022.
Những người ủng hộ hai đạo luật này muốn tận dụng phiên điều trần đối với bà Haugen để có thể đạt được bước nhảy vọt trong vấn đề vốn đang bị sa lầy vào các tiểu tiết và bị các nỗ lực vận động hành lang mạnh mẽ của ngành công nghệ chi phối. Bế tắc lớn nhất trong giới lập pháp hiện này là số phận của các quảng cáo được nhắm mục tiêu cũng như các công ty công nghệ nào sẽ tuân theo các quy tắc nghiêm ngặt nhất của luật pháp.
Về phần mình, Facebook tuyên bố những cáo buộc của bà Haugen bóp méo thực tế, khi bà chỉ là một kỹ sư cấp trung, có quyền tiếp cận một cách hạn chế các quyết định quan trọng của công ty này.
Bà Monika Bickert, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách nội dung của Meta, công ty mẹ của Facebook, nêu rõ: "Điều cốt lõi trong tuyên bố của bà ấy là một căn cứ sai lệch. Đúng, chúng tôi là một doanh nghiệp và chúng tôi tạo ra lợi nhuận, nhưng ý tưởng cho rằng chúng tôi vì lợi ích thương mại mà đánh đổi sự an toàn của mọi người hoặc gây ra những lầm tưởng (về những ích lợi tâm lý) khi tương tác trên mạng xã hội thì là dối trá".
Bà cho biết Facebook sẽ chi hơn 5 tỷ USD trong năm 2021 để nâng cấp hệ thống an toàn và bảo mật dữ liệu.
Nguồn: VietnamPlus
(KGO) - Ngoài Nvidia, các tập đoàn công nghệ lớn như Apple và Microsoft đã công bố các khoản đầu tư hàng tỷ USD vào Đông Nam Á trong năm nay, tập trung vào các trung tâm dữ liệu nhằm hỗ trợ sự phát triển AI.
Tổng số lượt truy cập: