16/05/2024 13:32
Thông qua việc sử dụng các thiết bị công nghệ, loại hình đa phương tiện như máy vi tính, máy tính bảng, mạng xã hội, ứng dụng trên điện thoại thông minh, tất cả người dân bình đẳng trong việc tiếp cận với nguồn học liệu mở, thông tin, kiến thức đa chiều, phong phú, được bổ sung, cập nhật mới, đặc biệt có thể học tập mọi lúc, mọi nơi, học từ xa. Đây là một trong những nền tảng quan trọng để hình thành nên công dân học tập, công dân số.
Từ ngày con gái học lớp 6, chị Nguyễn Thị Thu Tâm, ngụ phường An Hòa (TP. Rạch Giá) mua cho con máy tính bảng để phục vụ việc học. Đối với chị Tâm, đây là quyết định đúng giúp con học tốt hơn, có điều kiện tiếp cận thông tin, kiến thức đa dạng, dễ dàng, mọi lúc, mọi nơi.
Lê Thị Yến Ngọc (bên phải) - sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang cùng bạn ứng dụng công nghệ thông tin cập nhật kiến thức thực hành sư phạm.
Tỉnh Kiên Giang tăng cường đầu tư hạ tầng số, hạ tầng quang hóa trên toàn tỉnh cung cấp các dịch vụ truyền dẫn internet cáp quang tốc độ cao đến người dân trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao tiện ích cho cuộc sống.
Với sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin trong thời đại số thì việc học của người dân trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi, kích thích sự chủ động, sáng tạo trong học tập cho thế hệ trẻ, việc ứng dụng công nghệ thông tin góp phần thu hẹp dần khoảng cách học tập của người dân ở khắp các vùng, miền, nhất là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thông qua công nghệ số, ứng dụng công nghệ thông tin, nhiều người dân được học tập, trau dồi, tích lũy kiến thức phục vụ lao động, sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Công nghệ thông tin có sự tác động lớn đối với việc học tập, tạo nhiều cơ hội, tiện ích mới cho người học, giúp người học chủ động tiếp cận tri thức mọi lĩnh vực. Lê Thị Yến Ngọc - sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang vừa hoàn thành chương trình học sư phạm mầm non cho biết: “Em ý thức phải xây dựng năng lực tự học, rèn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong kỷ nguyên số để cập nhật kiến thức mới, phát triển bản thân, nâng cao cơ hội nghề nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp ích nhiều cho em trong việc học, giảng dạy”.
Internet cho phép mọi người truy cập nguồn tài liệu học tập, sách điện tử, bài giảng trực tuyến và thông tin liên quan đến hầu hết mọi chủ đề giúp mọi người nhanh chóng tiếp cận kiến thức, tài liệu mới để học. Nhiều ứng dụng di động, máy tính bảng được phát triển để hỗ trợ việc học chủ động. Người học có thể sử dụng các ứng dụng học ngoại ngữ, quản lý thời gian, ghi chú và nhiều ứng dụng để nâng cao hiệu suất học tập. Việc tìm kiếm, tra cứu, cập nhật thông tin, tài liệu học tập nhanh, tiết kiệm thời gian hơn nhờ ứng dụng công nghệ thông tin. Sự ra đời của các nền tảng số học tập trực tuyến giúp người học có thể ở nhà hay bất cứ nơi nào thông qua thiết bị kết nối mạng, mọi lúc, mọi nơi, không gian học được mở rộng.
Hiện nay, nếu mỗi người không muốn tụt lại phía sau thì không thể không quan tâm đến chuyển đổi số, không coi trọng việc ứng dụng các thành tựu của công nghệ số để tìm thông tin, tiếp cận tri thức, tích cực học tập nhằm nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu học tập, công việc. Khi tri thức nhân loại phát triển, việc chủ động rèn kỹ năng số, khai thác các nguồn tài nguyên giáo dục mở phong phú trên nền tảng công nghệ như internet cho vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI) là cần thiết giúp chúng ta tự làm giàu kiến thức, văn hóa cho mình.
Bài và ảnh: CẨM TÚ
(KGO) - Mô hình chợ không tiền mặt, tuyến phố không tiền mặt trên địa bàn TP. Rạch Giá (Kiên Giang) thu hút 13 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tham gia.
Tổng số lượt truy cập: