14/03/2024 10:00
Thanh toán qua mã QR, ví điện tử, internet banking, mobile banking trở thành thói quen của nhiều người dân từ thành thị đến nông thôn, nhất là khách hàng trẻ. Đến nay, tỷ lệ dân số trưởng thành của tỉnh Kiên Giang sử dụng smartphone đạt 85%, số người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch đang còn hoạt động tại ngân hàng đạt 66%.
Tại chợ Vĩnh Bảo, TP. Rạch Giá, việc thanh toán không dùng tiền mặt được áp dụng khá phổ biến. Chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc - chủ ki ốt bán tạp hóa trong chợ Vĩnh Bảo cho biết: “Hàng ngày nếu có 10 khách đến mua hàng thì có 6 người có nhu cầu thanh toán qua mạng. Tôi thích hình thức thanh toán này vì không phải kiểm đếm tiền mặt sau một ngày bán hàng bởi đã có sẵn trên máy, cũng không sợ mất cắp”.
Nhân viên Agribank chi nhánh Ba Hòn, huyện Kiên Lương hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng của ngân hàng quét mã QR thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Đánh giá của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, xu hướng khách hàng sử dụng dịch vụ mobile banking ngày càng phổ biến. Hiện chỉ bằng điện thoại thông minh, thông qua các ứng dụng ngân hàng, khách hàng có thể thực hiện được hầu hết các giao dịch tài chính, thanh toán, chuyển khoản tiền. Việc sử dụng dịch vụ số trong thanh toán giúp giảm sức ép khi giao dịch trực tiếp cho các ngân hàng, nâng cao hiệu suất khi sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Xác định việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng là tiền đề quan trọng góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch số trong xã hội, kinh tế của tỉnh, xây dựng xã hội số, nhiều ngân hàng tập trung cung cấp dịch vụ thanh toán số liên quan mật thiết đến cuộc sống thường nhật, thiết yếu của người dân. Các ngân hàng tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng ngân hàng để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Từng từ chối chuyển tiền qua ứng dụng ngân hàng vì nghĩ bản thân lớn tuổi không rành công nghệ, sợ rủi ro mất tiền, từ khi được nhân viên ngân hàng hướng dẫn, bà Lâm Bích Thủy (51 tuổi), ngụ thị trấn Kiên Lương (Kiên Lương) biết cách thao tác, thường xuyên sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong đời sống. “Trước đây mỗi khi muốn gửi tiền cho con học ở TP. Hồ Chí Minh tôi phải ra ngân hàng, mất thời gian thực hiện các bước giao dịch. Giờ chỉ cần vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh là tôi đã chuyển khoản thành công tiền cho con, tiết kiệm thời gian, công sức đi lại”, bà Thủy nói.
Kế hoạch số 186/KH-UBND, ngày 24-12-2020 của UBND tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỉnh phấn đấu 50% người dùng điện thoại thông minh được tiếp cận các dịch vụ thông minh, tham gia vào hoạt động thanh toán điện tử; 70% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tiếp cận, tham gia vào các hoạt động giao dịch điện tử trên môi trường mạng, trong đó có giao dịch tài chính.
Để đạt kết quả đề ra, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế; thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ người tiêu dùng trong chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt. Việc triển khai thu phí, lệ phí tại bộ phận một cửa hiện đang được các phường, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh áp dụng, từng bước đi vào nề nếp.
Với việc giao dịch trực tuyến internet banking, mobile banking thay cho hình thức dùng tiền mặt thanh toán phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp, tạo sự minh bạch trong công tác thu phí, lệ phí của cơ quan nhà nước.
Bài và ảnh: CẨM TÚ
(KGO) - Ngày 25-11, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang trao tặng 10 bộ máy vi tính cho xã Phú Lợi, huyện Giang Thành (Kiên Giang).
Tổng số lượt truy cập: