10/10/2022 10:19
NHẤT QUÁN VỀ QUAN ĐIỂM CHUYỂN ĐỔI SỐ
Những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, doanh nghiệp, bước đầu mang lại một số kết quả thiết thực.
Kiên Giang có hạ tầng viễn thông bao phủ, thông suốt đến các xã, phường, thị trấn. Hệ thống thông tin dùng chung triển khai thống nhất, đồng bộ, liên thông từ cấp tỉnh đến cơ sở như hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc, hệ thống thư điện tử công vụ, cổng thông tin điện tử, hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến.
Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin trong các cơ quan, chính quyền các cấp được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin chuyển biến tích cực. Theo công bố xếp hạng chuyển đổi số năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Kiên Giang được xếp hạng 9/63 tỉnh, thành phố.
Quan điểm của tỉnh Kiên Giang về chuyển đổi số là bước đi tất yếu, nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài; cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp, toàn xã hội mới đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số.
Việc từng bước hoàn thiện chính quyền số tỉnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; phát triển chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số theo hướng chính quyền tương tác, minh bạch, hoạt động hiệu quả góp phần hiện đại hóa nền hành chính, cung cấp dịch vụ số dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Hơn hết, chuyển đổi số hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, lấy người dân làm trung tâm của chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp gắn đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển bền vững địa phương.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị bàn giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo, bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, từ đó Tỉnh ủy Kiên Giang chủ trương tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, học tập, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp, người dân về sự cần thiết, cấp thiết của chuyển đổi số.
Người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa bàn phụ trách; tiên phong, đi đầu trong việc chuyển đổi số để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của địa phương, đơn vị mình.
LINH HOẠT CHUYỂN ĐỔI SỐ
Theo đồng chí Võ Minh Trung - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang, trong Nghị quyết số 22-NQ/TU, ngày 8-6-2022 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Tỉnh ủy xác định mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của Nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường; phấn đấu Kiên Giang nằm trong tốp dẫn đầu về các chỉ tiêu chuyển đổi số.
Tỉnh tập trung nguồn lực, ưu tiên triển khai chuyển đổi số ở 8 ngành, lĩnh vực có nhu cầu cao, lợi thế cạnh tranh tại địa phương nhằm phát triển kinh tế, xã hội gồm giáo dục và đào tạo; y tế; nông nghiệp; tài nguyên và môi trường; giao thông; lao động - thương binh và xã hội; văn hóa, du lịch.
Thực hiện chiến lược chuyển đổi số, Kiên Giang quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; huy động nhiều nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng nền tảng số đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, sự chuyển đổi của chính quyền.
Kiên Giang tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng 4G trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công khai hạ tầng mạng di động 5G; phấn đấu đến năm 2025 phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại di động thông minh để phục vụ quá trình chuyển đổi số.
Đặc biệt, tỉnh khuyến khích, thu hút doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh; triển khai thí điểm ứng dụng dịch vụ, nền tảng, giải pháp công nghệ mới để chuyển đổi số đối với các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng là tiền đề quan trọng thúc đẩy sự chuyển dịch số trong xã hội, kinh tế của tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch số 137/KH-UBND, ngày 7-6-2022 về hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo, bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch đề ra mục tiêu đến hết năm 2022 tỉnh đạt 50% trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo, bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh lắp đặt, sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán học phí, viện phí và các giao dịch khác.
Tỉnh hiện có 54 tổ chức tín dụng hoạt động với mạng lưới 206 cơ sở giao dịch cung ứng dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân, phân bổ ở 15 huyện, thành phố và 1.683 điểm giới thiệu dịch vụ của 10 công ty tài chính.
Các ngân hàng thương mại lắp đặt 333 máy ATM, 3.006 máy POS, 1.218.969 thẻ đang lưu hành, 1.327.894 tài khoản hoạt động phục vụ hoạt động thanh toán; triển khai đa dạng hình thức thanh toán trực tuyến hiện đại, công nghệ số như internet banking, mobile banking, ví điện tử… để phục vụ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Bài và ảnh: CẨM TÚ
(KGO) - Ngày 25-11, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang trao tặng 10 bộ máy vi tính cho xã Phú Lợi, huyện Giang Thành (Kiên Giang).
Tổng số lượt truy cập: