06/06/2023 17:21
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ
Như thường lệ, khởi đầu ngày mới của trực ban Quách Văn Tỷ - công nhân Đội Quản lý - Vận hành Điện lực Rạch Giá là kiểm tra tin nhắn từ Trung tâm Chăm sóc khách hàng. Sau đó, anh Tỷ phân loại, sắp xếp, bố trí, điều động công nhân thực hiện các yêu cầu sự cố theo thứ tự.
Tại thời điểm kiểm tra, anh Tỷ nhận được tin nhắn của khách hàng thông báo về sự cố mất điện. Bằng phần mềm giám sát an toàn, anh kiểm tra, khoanh vùng, nhanh chóng xác định nơi xảy ra sự cố tại đường Lâm Quang Ky, khu phố 5, phường An Hòa, TP. Rạch Giá (Kiên Giang).
Ngay lập tức, đội trực ban của anh Tỷ hội ý, phân công nhiệm vụ, chưa đầy 20 phút sau, công nhân trực sửa chữa đã có mặt tại địa chỉ trên để xử lý sự cố. Anh Tỷ cho biết: “Nhờ phần mềm giám sát an toàn mà việc phục vụ khách hàng thuận lợi hơn, công nhân giảm thời gian nghe điện thoại của khách hàng so trước, tập trung hơn vào việc sửa chữa điện”.
Công nhân Đội Quản lý - Vận hành Điện lực Rạch Giá chuẩn bị khắc phục sự cố điện.
Dưới nắng nóng gần 400C, để việc sửa chữa điện được tiến hành nhanh nhất, Điện lực Rạch Giá huy động xe cẩu và công nhân tập trung tiếp cận vị trí đưa thiết bị vào thay thế, lắp đặt an toàn. Nhờ được trang bị thiết bị hiện đại cùng phần mềm kết nối từ xa, cập nhật kịp thời quá trình thi công nên quy trình giám sát, khắc phục sự cố diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.
Bà Đào Ánh Nguyệt - Giám đốc Điện lực Rạch Giá (Kiên Giang) nhận định: “Khi áp dụng công nghệ số vào công tác thực tế đã đảm bảo được độ an toàn cao. Khi người lao động ra ngoài làm việc, các bộ phận giám sát qua chương trình giám sát an toàn về hình ảnh sẽ gửi ảnh về để lãnh đạo cũng như các bộ phận khác giám sát nếu có sai sót thì điều chỉnh kịp thời để tránh xảy ra tai nạn lao động”.
Để đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, Điện lực Rạch Giá chú trọng công tác tuyên truyền đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, đồng thời kiểm tra an toàn vào đầu giờ làm việc tại các tổ, đội sản xuất. Trước khi ra hiện trường, người lao động được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động và thực hiện các biện pháp an toàn.
CHÚ TRỌNG AN TOÀN LAO ĐỘNG
Bà Đào Ánh Nguyệt cho biết thêm: “Hàng ngày, Điện lực Rạch Giá tổ chức cuộc họp đầu ngày và thực hiện xuyên suốt những chương trình tập huấn, chương trình sát hạch định kỳ hàng năm đối với người lao động mới cũng như người lao động đang thực hiện công tác. Người lao động cũng được đóng góp ý kiến để hoàn thiện quy trình từ tổng công ty đưa xuống góp phần cho quy trình mang tính an toàn cao và sát với thực tế. Chính điều này làm cho người lao động an tâm khi thực hiện nhiệm vụ”.
Công nhân Đội Quản lý - Vận hành Điện lực Rạch Giá kiểm tra công tơ điện tại nhà người dân sau khi khắc phục sự cố.
Theo ông Nguyễn Hoàng Khanh - Trưởng Phòng An toàn PC Kiên Giang, để công tác an toàn, vệ sinh lao động thực sự đi vào nề nếp và có hiệu quả, việc tự thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi của cán bộ, công nhân viên và người lao động rất cần thiết. Vì vậy, trên cơ sở kế hoạch hàng năm, PC Kiên Giang tăng cường chỉ đạo các điện lực trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng văn hóa an toàn lao động, xây dựng đề cương, kế hoạch triển khai toàn diện công tác an toàn, vệ sinh lao động trong toàn PC Kiên Giang; thực hiện các chính sách, chế độ bảo hộ lao động đảm bảo an toàn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Điều quan trọng nhất vẫn ở ý thức của người lao động. Khi người lao động đến hiện trường công tác cần phân biệt được mức độ quan trọng của từng công việc, mỗi khi nhận thấy tình huống mất an toàn, người lao động có thể phản ánh về bộ phận có thẩm quyền để lãnh đạo đơn vị yêu cầu bố trí lại công tác nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động”, ông Nguyễn Hoàng Khanh nói.
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Ngày 25-11, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang trao tặng 10 bộ máy vi tính cho xã Phú Lợi, huyện Giang Thành (Kiên Giang).
Tổng số lượt truy cập: