17/06/2022 15:29
Cuối năm 1979, tôi đến nhận công tác ở Văn phòng Tỉnh ủy và được phân công làm nhiệm vụ thư ký cho Bí thư Tỉnh ủy Phạm Văn Kiết (Năm Vận), anh Năm Trì lúc đó đang là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Ấn tượng ban đầu với lính mới văn phòng như tôi đó là một con người vô cùng nghiêm túc và trách nhiệm cao trong công việc. Nghiêm túc trong xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thường xuyên của Thường trực Tỉnh ủy, cho tới những chuyến đi thực tế, kiểm tra các địa phương và cả trong việc tiếp và làm việc với các đoàn của Trung ương về công tác ở Kiên Giang (vì lúc này tỉnh tiếp rất nhiều đoàn trong một năm). Những báo cáo định kỳ và chuyên đề khi Văn phòng trình để thông qua anh Năm “soi rất kỹ” về những nội dung được nêu trong đó và cả sự chặt chẽ từng câu chữ trong những phần nhận xét, đánh giá về một ngành, một địa phương nào đó. Mỗi lần làm việc với anh Năm khi thông qua các văn bản dự thảo của Tỉnh ủy, gần như nhóm cán bộ nghiên cứu chúng tôi như qua một cuộc tập huấn thực tế rất bổ ích về phương pháp văn bản, mà nhớ nhứt là anh Năm cứ nhắc đi nhắc lại câu: Mỗi một câu, một đoạn phải thể hiện cho được mình viết về ai, về cái gì, nêu như thế nào, đánh giá ra sao và độ chính xác như thế nào? Quả là một thực tế sinh động về phương pháp tư duy mà một người lãnh đạo, người anh cầm tay chỉ việc. Thực tiễn và ký ức đó đã giúp chúng tôi rất nhiều những năm sau đó trong công tác.
Giai đoạn 1982-1985, tiếng súng ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam vẫn còn, dù chiến tranh đã tạm lắng dịu. Mặt khác, lúc này phong trào hợp tác hóa trong tỉnh đang lên, nhưng cũng xuất hiện những khó khăn mới. Trong nhiều cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ý kiến nhận định về âm mưu, ý đồ của địch ở biên giới và chủ trương bố trí lực lượng đứng chân trên tuyến biên giới đôi khi cũng rất khác nhau. Từ đó cũng nhiều lần xuất hiện sự tranh luận trong một số đồng chí. Trong số những ý kiến nhận định về ý đồ của địch, tôi rất chú ý đến ý kiến anh Năm Trì khi anh nói cần nhận định đúng âm mưu, ý đồ của địch đặt trong một tổng thể chiều dài cả quá khứ, với những xung đột biên giới từ nhiều thế kỷ trước, mà theo anh, đó là cách hiểu địch, hiểu ta mà ông cha ta đã sử dụng để thắng địch. Thực tế những năm sau đó diễn biến trên chiến trường biên giới đã chứng minh nhận xét của anh là đúng. Chính nhờ đó, ta đã bố trí quân đứng chân đáp ứng yêu cầu của chiến trường và đã chủ động đánh thắng kẻ địch từ bên kia biên giới lấn sang ngay từ đầu, trong lúc một số địa phương khác vẫn chờ chủ trương chỉ đạo của cấp trên.
Các đồng chí: Đỗ Thanh Bình (bìa trái) - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang; Mai Văn Huỳnh (bìa phải) - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đến thăm hỏi, chúc tết, tặng quà đồng chí Lâm Kiên Trì - nguyên Bí thư Tỉnh ủy nhân Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Ảnh: TÂY HỒ
Nhiều lần khác, trên lĩnh vực chỉ đạo nông nghiệp và phong trào hợp tác hóa, gần như đa số ý kiến đều cho rằng với đà phát triển như hiện nay (lúc đó) thì không bao lâu tỉnh ta sẽ hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp toàn tỉnh, sớm hơn thời gian Trung ương chỉ đạo. Trước thực tế đó, anh Năm Trì có những băn khoăn. Cuối năm 1984, anh đề nghị Văn phòng Tỉnh ủy đi kiểm tra tình hình cụ thể, sau đó về báo cáo lại cho Thường trực Tỉnh ủy để có chủ trương mới trong chỉ đạo. Qua cuộc khảo sát một số hợp tác xã nông nghiệp ở vài huyện, tình hình không hoàn toàn như trong các báo cáo. Tuy nhìn chung cũng đang phát triển, mở rộng cả về lượng cũng như chất, nhưng cũng đã xuất hiện những khó khăn, vướng mắc không hề nhỏ, thậm chí có thể uy hiếp thành tựu vừa qua đã đạt được.
Trước tình hình đó, anh Năm Trì mở cuộc họp Thường vụ bàn chuyên đề về vấn đề này. Trong cuộc họp, nhiều ý kiến tranh luận khá căng thẳng về việc nên tập trung mở rộng diện hợp tác hay quay sang củng cố, nâng chất lượng là chủ yếu, song song với mở rộng diện hợp tác. Sau những tranh luận khá gay gắt, anh Năm cho rằng nên tập trung củng cố là chính, cho chắc chắn phần nền tảng và thành quả, song song đó vẫn quan tâm chú trọng đúng mức việc nâng chất lượng những hợp tác xã đã hình thành, không để những đơn vị kinh tế kiểu mới này tan rã, ảnh hưởng đến phong trào về lâu dài và tâm lý quần chúng nông dân. Hơn 2 năm sau đó, đến cuối năm 1986, khi đúc kết 8 năm phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở tỉnh nhà, kết quả thực tế nhiều địa phương đã chứng minh những nhận định của anh Năm Trì là chính xác, đã giúp cho những định hướng của Tỉnh ủy, trong chỉ đạo lĩnh vực này sau đó sát thực tiễn và ngày càng hiệu quả hơn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống cho nông dân trong tỉnh.
Đến viếng, thắp nén nhang trước linh cữu anh, lòng tôi thầm thì: “Anh Năm ơi, cả cuộc đời anh sống cho dân, cho Đảng, giờ mong anh yên lòng nghỉ ngơi chốn vĩnh hằng. Tri ơn anh và luôn nhớ những kỷ niệm ngày ấy”.
LÂM NGHĨA SỸ
(KGO) - Chiều 13-9, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang tổ chức cuộc họp lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Tổng số lượt truy cập: