06/09/2022 13:59
Các buổi tập huấn, truyền thông này đã thu hút được sự quan tâm, phản hồi tích cực từ những người tham dự tập huấn, đồng thời góp phần tăng cường hiểu biết về trợ giúp pháp lý của người dân địa phương và cán bộ cơ sở.
Thạc sĩ Bùi Đức Độ - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang cho biết, trợ giúp pháp lý là một trong những nội dung quy định tại tiểu dự án 1 (dự án 6) và tiểu dự án 2 (dự án 7) của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg, ngày 18-1-2022. Mục tiêu của thực hiện trợ giúp pháp lý theo chương trình này nhằm nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người thuộc diện trợ giúp pháp lý tại các địa bàn thực hiện chương trình; đồng thời nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý.
Đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, việc tổ chức các buổi tập huấn trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao năng lực, kiến thức, hiểu biết về trợ giúp pháp lý cho những người có uy tín trong cộng đồng và đội ngũ cán bộ ở cơ sở; tăng cường hiểu biết về trợ giúp pháp lý cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng vùng nông thôn nhằm kịp thời tiếp cận trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Kiên Giang đã có 3 kế hoạch triển khai thực hiện nội dung về trợ giúp pháp lý tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Theo kế hoạch này, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang phối hợp phòng tư pháp huyện và ủy ban nhân dân các xã tổ chức các hội nghị tập huấn, truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại các xã Ngọc Hòa, Ngọc Chúc, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phú, Thạnh Hưng, Long Thạnh, huyện Giồng Riềng; Bình Trị, Bình An và xã đảo Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương.
Người dân, cán bộ các ấp cùng một số cán bộ và công chức xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) xem tờ gấp về trợ giúp pháp lý do Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang phát miễn phí. Ảnh: HIỀN MINH.
Các buổi hội nghị tập huấn, truyền thông trợ giúp pháp lý thu hút tổng số 544 người tham dự. Thành phần tham dự gồm đại diện phòng tư pháp; cán bộ, công chức, đại diện công an, các đoàn thể xã; trưởng ấp, người có uy tín trong cộng đồng; đại diện ban quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer; hòa giải viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên, người thuộc diện trợ giúp pháp lý có yêu cầu được trợ giúp pháp lý và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tại các xã, Thạc sĩ Bùi Đức Độ thông tin mục đích, ý nghĩa, mục tiêu của hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, hiểu biết về trợ giúp pháp lý cho người tham dự; thông tin, giải thích về trợ giúp pháp lý, giới thiệu người dân thuộc diện trợ giúp pháp lý đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang khi gặp khó khăn, vướng mắc về pháp luật.
Lồng ghép vào các buổi hội nghị tập huấn, truyền thông, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang còn phát tờ gấp miễn phí tới người dân và cán bộ, công chức tham dự hội nghị. Nội dung tờ gấp gồm các quy định của pháp luật về những người thuộc diện trợ giúp pháp lý, quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý, các lĩnh vực và hình thức trợ giúp pháp lý, thủ tục để được trợ giúp pháp lý, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc phối hợp trợ giúp pháp lý…
Các buổi hội nghị tập huấn, truyền thông trợ giúp pháp lý đã nhận được phản hồi tích cực từ người dân địa phương và cán bộ cơ sở. Ông Nguyễn Quốc Việt - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Chín Ghì, xã Ngọc Hòa cho biết, buổi tập huấn rất thiết thực, giúp ông hiểu thêm kiến thức về pháp luật, trợ giúp pháp lý để ông thông tin, giải thích về trợ giúp pháp lý cho người dân đến Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang khi cần giúp đỡ về pháp luật. Đồng thời ông có thể vận dụng vào thực tế hòa giải các mâu thuẫn ở ấp.
Đặt ra tình huống thực tế về tranh chấp ranh đất và đã được Thạc sĩ Bùi Đức Độ giải đáp, ông Đinh Hồng Thi - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Võ Thành Nguyên, xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng nói: “Những giải đáp của luật gia tôi thấy rất thuyết phục. Nhờ được giải đáp, tôi đã tìm được hướng hòa giải trong vụ việc tranh chấp ranh đất mà ấp đang tiếp nhận hòa giải”.
HIỀN MINH - NAM KIÊN
(KGO) - Việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, mang tính chiến lược và cấp bách. Tại Kiên Giang, quá trình này đang được triển khai quyết liệt với những bước đi cụ thể, rõ ràng, thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất, hướng tới xây dựng một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.
Tổng số lượt truy cập: