25/11/2024 11:35
Công cuộc tổ chức sắp xếp bộ máy trong hệ thống chính trị của của nước ta những năm gần đây được triển khai mạnh mẽ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới. Một trong những chủ trương quan trọng nhất được đưa ra trong các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng và quản lý Nhà nước, được Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan nhà nước triển khai với sự quyết tâm cao.
Trong bối cảnh hiện nay, việc sắp xếp bộ máy trong hệ thống chính trị đã trở thành một nhiệm vụ cần thiết để nâng cao năng lực của hệ thống chính trị, đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Sự quá tải của bộ máy hành chính, tình trạng chồng chéo trong chức năng và nhiệm vụ giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương đã gây lãng phí nguồn lực và làm giảm hiệu quả công việc. Chính vì vậy, chủ trương của Đảng là phải tập trung việc tinh giản các cơ quan chức năng, giảm bớt số lượng đầu mối và giảm các thủ tục hành chính rườm rà, cồng kềnh.
Tổng Bí thư nhấn mạnh việc sắp xếp bộ máy trong hệ thống chính trị không chỉ dừng lại ở mục tiêu giảm thiểu biên chế mà còn cần nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn tồn tại những thách thức lớn như việc chồng chéo chức năng giữa các cơ quan, thiếu sự phối hợp và những lo ngại về chất lượng dịch vụ công trong giai đoạn chuyển đổi. Tổng Bí thư đã chỉ rõ rằng: “Đổi mới bộ máy trong hệ thống chính trị phải gắn liền với việc nâng cao chất lượng công việc, hiệu quả điều hành, không để tình trạng chồng chéo, lãng phí nguồn lực và làm giảm hiệu quả công việc”. Đây chính là mục tiêu cốt lõi trong quá trình sắp xếp, khi mà một bộ máy cồng kềnh không chỉ gây tốn kém về mặt tài chính mà còn kéo theo sự trì trệ trong công tác quản lý và điều hành.
Cụ thể, các bộ ngành đã giảm được 17 tổng cục và các cơ quan tương đương, giảm 10 cục, 144 vụ/ban thuộc tổng cục và bộ, đồng thời giảm 108 phòng trong các vụ/ban thuộc bộ, ngành. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cắt giảm 4 tổng cục. Bộ Nội vụ cắt giảm 2 cơ quan tương đương tổng cục. Bộ Giao thông vận tải cũng đã xóa bỏ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tách thành 2 cục. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chuyển 4 tổng cục thành cấp cục. Bộ Khoa học và Công nghệ chuyển 1 tổng cục và 1 đơn vị tương đương cấp tổng cục thành cấp cục. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã chuyển 2 tổng cục và 1 đơn vị tương đương thành cấp cục. Trong khi Bộ Y tế sắp xếp 1 đơn vị cấp tổng cục thành cấp cục.
Đặc biệt, Bộ Công an đã thực hiện giải thể 6 tổng cục, giảm 55 đơn vị cấp cục và 287 đơn vị cấp phòng, đồng thời sắp xếp và thu gọn các đơn vị sự nghiệp công lập. Tại công an địa phương, 20 sở cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được sáp nhập với công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức thành một đầu mối đơn vị cấp phòng thuộc công an cấp tỉnh. Qua đó, Bộ Công an đã giảm được 532 đơn vị cấp phòng và giảm trên 1.000 đầu mối cấp đội.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, tính đến hết năm 2023, cả nước giảm được tổng cộng 7.867 đơn vị sự nghiệp công lập (năm 2023 giảm 236 đơn vị), còn lại 46.385 đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, số đối tượng tinh giản biên chế trong năm 2023 là 7.151 người. Những con số này thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc tinh giản bộ máy nhà nước, cắt giảm những chi phí không cần thiết và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Cùng với đó, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, tính đến năm 2023, các địa phương đã giảm được 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Mặc dù những kết quả đạt được trong công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy là đáng ghi nhận, nhưng quá trình này vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Vẫn có sự e ngại thay đổi của một bộ phận cán bộ, công chức. Việc giảm bớt biên chế hoặc tái cấu trúc các cơ quan có thể gây ra sự phản đối từ những người có lợi ích liên quan. Họ lo ngại rằng việc thay đổi này có thể ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân hoặc gây ra sự bất ổn trong công việc. Chính vì vậy, cần có sự giải thích rõ ràng và sự đồng thuận từ các cấp lãnh đạo trong việc thực hiện sắp xếp. Ngoài ra, việc giảm bớt đầu mối và tinh giản bộ máy cũng gặp phải sự chồng chéo trong chức năng và nhiệm vụ giữa các cơ quan, bộ ngành. Tình trạng này vẫn tồn tại, gây cản trở trong việc nâng cao hiệu quả công việc.
Thực tế chỉ ra, để khắc phục những khó khăn này cần thay đổi tư duy quản lý và lãnh đạo. Các lãnh đạo cấp cao trong hệ thống chính trị cần phải đi đầu trong việc thay đổi tư duy quản lý, khuyến khích sự sáng tạo và linh hoạt trong công tác. Đặc biệt, các cơ quan nhà nước cần ứng dụng công nghệ thông tin để giảm bớt thủ tục hành chính, tăng cường sự minh bạch và tiết kiệm chi phí. Việc phát triển Chính phủ điện tử và xây dựng nền tảng hạ tầng công nghệ hiện đại là một bước đi quan trọng để đạt được mục tiêu này.
Trong một buổi làm việc với các cơ quan nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt lưu ý rằng công nghệ thông tin là yếu tố quan trọng trong công tác cải cách bộ máy hành chính. Thủ tướng khẳng định: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong bộ máy của hệ thống chính trị là giải pháp thiết thực giúp giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường sự minh bạch và tiết kiệm chi phí, đồng thời tạo ra môi trường làm việc hiệu quả hơn”. Công nghệ thông tin sẽ là công cụ quan trọng giúp giảm thiểu các bước thủ tục, nâng cao sự chính xác và hiệu quả trong công tác điều hành của bộ máy chính trị.
Mặc khác, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy không thể thành công nếu thiếu đội ngũ cán bộ có đủ năng lực và phẩm chất. Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần ban hành quy định về khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở từng cấp, từ Trung ương tới cơ sở, từng loại hình để chủ động rà soát, xác định có thể bố trí ngay. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ. Có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội…
Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương vào tháng 9-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Đổi mới bộ máy nhà nước không chỉ là một yêu cầu cấp bách, mà là yếu tố then chốt để phát triển nền kinh tế đất nước, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân”. Phát biểu này không chỉ phản ánh quyết tâm cao của Chính phủ trong việc tiếp tục triển khai cải cách, mà còn cho thấy rằng việc tinh gọn bộ máy không chỉ là yêu cầu về mặt tổ chức, mà còn phải gắn liền với việc nâng cao chất lượng quản lý, điều hành trong các cơ quan nhà nước.
Trong các kỳ họp Quốc hội gần đây, nhiều đại biểu đánh giá cao những nỗ lực của Đảng và Chính phủ trong việc cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Theo một số đại biểu việc sắp xếp lại bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả sẽ tạo ra một hệ thống quản lý linh hoạt, nhanh nhạy hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của đất nước. Việc tinh giản bộ máy sẽ giúp giảm bớt sự chồng chéo, cắt giảm thủ tục hành chính, từ đó giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư và kinh doanh.
Quan điểm chung của nhiều đại biểu Quốc hội đều nhận thức rõ ràng rằng việc tinh gọn bộ máy chính trị là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh) ủng hộ việc tinh gọn bộ máy theo hướng hiệu quả và nhấn mạnh cần đánh giá, rà soát lại công việc, chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận để lên phương án tổng thể. Đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) cho rằng chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn là đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) ủng hộ việc thực hiện yêu cầu tinh gọn bộ máy ở các cấp, từ xã đến Trung ương. Còn đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) đề xuất cần tổ chức hợp lý các cơ quan theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.
Sắp xếp bộ máy trong hệ thống chính trị là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm cao từ lãnh đạo các cấp và sự hợp tác của toàn xã hội. Để đạt được mục tiêu tinh gọn, hiệu quả, cần xử lý những vấn đề cụ thể như tình trạng e ngại thay đổi, sức ì trong hệ thống và sự thiếu rõ ràng trong phân công chức năng giữa các cơ quan. Với việc tiếp tục thực hiện chủ trương tinh giản bộ máy, giảm bớt đầu mối, cải cách tổ chức và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, Việt Nam sẽ tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng một hệ thống chính trị hiệu quả, phục vụ nhân dân và phát triển đất nước mạnh mẽ hơn trong kỷ nguyên mới.
Nội dung: VIỆT TIẾN
Trình bày: THANH TÙNG
Nguồn ảnh: BÁO NHÂN DÂN
(KGO) - Sáng 5-12, các đại biểu Quốc hội: Lý Anh Thư - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang; Nguyễn Việt Thắng - Bí thư Huyện ủy U Minh Thượng có buổi tiếp xúc cử tri huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tổng số lượt truy cập: