17/03/2023 20:00
Diện tích rau cần nước của tổ hợp tác trồng rau cần nước ấp Kênh 3A, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang). Ảnh: MINH KHANG
Mục đích của nghị quyết là tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16-6-2022 của Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".
Đồng thời xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm đối với từng cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu để từ đó đề ra giải pháp để các bộ, ngành, cơ quan và địa phương xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đạt hiệu quả cao nhất, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Nghị quyết số 37/NQ-CP, ngày 17-3-2023 đề ra 5 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, gồm:
1- Tuyên truyền, giáo dục, thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Đổi mới hình thức, nội dung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về đất đai cho cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp tạo sự thống nhất cả về nhận thức và hành động trong việc triển khai thực hiện; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về đất đai cho cộng đồng, đặc biệt là đối với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
2- Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thực hiện thí điểm, tổng kết và hoàn thiện các chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai; xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; rà soát, sửa đổi đồng bộ các Luật khác có liên quan đến đất đai; hoàn thành việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), một số dự án luật có liên quan và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì hoàn thành việc xây dựng và trình Chính phủ, Quốc hội xem xét ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) trong năm 2023 với hướng đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng…
3- Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai: Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai.
4- Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai, kiến nghị xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thường xuyên tiến hành kiểm tra, thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành, các cấp tại địa phương, thực hiện phương châm giải quyết triệt để tranh chấp về đất đai từ cơ sở, tránh vượt cấp lên trung ương.
5- Tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất. Cụ thể:
Về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, trong giai đoạn 2023-2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện rà soát, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, việc quản lý sử dụng đất của các công ty nông lâm nghiệp, việc quản lý, sử dụng quỹ đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường đã bàn giao về địa phương.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện, xử lý những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc về đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại địa phương, hoàn thành trong năm 2025.
Giai đoạn 2023-2024, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện rà soát, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện và trình Chính phủ ban hành nghị định để xử lý những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc về đất đai liên quan đến: thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi sắp xếp lại trụ sở, cơ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước để chuyển sang mục đích phát triển kinh tế bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp đã di dời khỏi trung tâm đô thị lớn; đất thu hồi từ cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước…
MINH KHANG (Theo Chinhphu.vn)
(KGO) - Sáng 13-11, đoàn công tác của Ủy ban Mặt trận Đoàn kết và Phát triển Tổ quốc Campuchia tỉnh Kep đến thăm, chúc mừng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang nhân kỷ niệm 94 năm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2024). Tiếp và làm việc với đoàn có Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang Lê Thanh Việt.
Tổng số lượt truy cập: