26/07/2023 17:56
Sau thắng lợi của chiến dịch tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968 và mùa hè năm 1972, quân và dân miền Nam tiếp tục nổi dậy khắp nơi. Chính quyền Sài Gòn phát Lệnh tổng động viên đôn quân, mở nhiều cuộc bao vây các chùa Khmer, xét bắt thanh niên Khmer kể cả sư Khmer đi lính. Từ ngày 7 đến 9-6-1974, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ban Khmer vận, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh họp và thống nhất kế hoạch, thành lập ban chỉ huy và phân công lực lượng chuẩn bị biểu tình.
5 giờ 30 phút ngày 10-6-1974, đoàn biểu tình gồm 600 vị sư và hơn 2.000 người dân do 4 vị sư Lâm Hùng, Danh Tấp, Danh Hom, Danh Hoi dẫn đầu xuống đường biểu tình. Là thành viên trong cuộc biểu tình năm đó, ông Danh Khâm, ngụ huyện Châu Thành kể, đoàn biểu tình xuất phát từ chùa Khlang Ong đến cầu Tà Niên. Lính Mỹ, ngụy kéo dây kẽm gai chặn đường. Đoàn biểu tình dùng ván gỗ để bước qua kẽm gai và đi tiếp, bọn chúng ném lựu đạn cay vào đoàn biểu tình nhưng mọi người vẫn tiếp tục đấu tranh.
“Trời mưa to, dù bị thương và lạnh nhưng không ai chùn bước. Đến hơn 10 giờ, đoàn biểu tình đến gần chi khu Kiên Thành. Lính Mỹ, ngụy dùng dây thép gai, chĩa súng và nòng súng ở các lô cốt vào đoàn biểu tình. Đoàn biểu tình hiên ngang xông lên; lính Mỹ, ngụy xả súng làm 4 vị sư dẫn đầu đoàn biểu tình hy sinh, 28 vị sư và người dân bị thương”, ông Danh Khâm nói.
Đại đức Danh Hùng (bìa trái) - Phó chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang giới thiệu lịch sử 4 vị hòa thượng đến các vị sư.
Theo Hòa thượng Danh Lân - Ủy viên Trung ương Hội đồng Trị sự, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang, sau khi đàn áp, bắn chết 4 vị sư, bọn ngụy quyền cướp thi thể 4 vị sư chở đi nhà xác bệnh viện Rạch Giá và mặc cho bộ quân phục cùng 4 khẩu súng AK rồi vu khống 4 vị sư là Việt Cộng. Đến 14 giờ cùng ngày, đoàn biểu tình từ chùa Láng Cát do các vị sư Danh Phol, Danh Râm, Danh Bu Tel dẫn đầu đến dinh tỉnh trưởng đòi trả thi hài 4 vị sư. Lúc này, bọn lính Mỹ, ngụy dùng kẽm gai và xe phun nước vào đoàn biểu tình không cho vào dinh tỉnh trưởng.
“Do lực lượng địch quá đông, đoàn biểu tình phải dùng loa phóng thanh tố cáo tội ác của chính quyền Mỹ, ngụy và nhận sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân. Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của các vị sư và nhân dân buộc chính quyền Mỹ, ngụy gặp xin lỗi và trả thi hài 4 vị sư. Đến 15 giờ ngày 17-6-1974, linh cữu 4 vị sư được an táng tại đầu đường Cù Là”, Hòa thượng Danh Lân cho biết.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nhà nước công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 4 vị sư, đồng thời khởi công xây dựng tháp 4 sư liệt sĩ. Sau khi tháp hoàn thành, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh cải táng 4 vị sư và đưa hài cốt vào tháp ngày 15-3-1987. Ngày 28-9-1990, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận tháp 4 sư liệt sĩ là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Năm 2014, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong giáo phẩm hòa thượng cho 4 vị sư. Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Kiên Giang) Tân Thành Huy cho biết: “Tháp 4 sư liệt sĩ xuống cấp, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định thực hiện đầu tư, tôn tạo di tích lịch sử tháp 4 sư liệt sĩ với các hạng mục giảng đường, cổng rào, nhà trưng bày truyền thống, bia tưởng niệm, nhà bếp, nhà vệ sinh, cây xanh, đường nội bộ… Hàng năm, vào ngày 10-6, UBND huyện Châu Thành phối hợp Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh tổ chức lễ giỗ 4 vị hòa thượng liệt sĩ, thu hút đông đảo người dân tham dự”.
Tháp 4 sư liệt sĩ được đồng bào Khmer xem là biểu tượng của truyền thống yêu nước dân tộc. Đây cũng là địa chỉ về nguồn của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Bài và ảnh: DANH THÀNH
(KGO) - Chiều 11-12, đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tiếp xúc cử tri TP. Phú Quốc. Cùng tiếp xúc cử tri TP. Phú Quốc còn có các đại biểu Quốc hội: Đỗ Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang; Nguyễn Danh Tú - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Đại tá Nguyễn Văn Hận - Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: