20/05/2024 09:35
Đồng chí có nhiều đóng góp xuất sắc cho cách mạng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công tác tư tưởng-lý luận của Đảng. Là nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng, trưởng thành từ phong trào quần chúng ở cơ sở, đồng chí luôn giữ trọn phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản kiên trung.
Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, đồng chí đã tham gia lãnh đạo phong trào Việt Minh ở xã từ tháng 4-1945. Trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, đồng chí tham gia lãnh đạo nhân dân giành chính quyền tại địa phương, xây dựng chính quyền cách mạng và các tổ chức chính trị-xã hội quần chúng ở các xã trong huyện. Tháng 9-1945, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và cuối năm 1945, khi Chi bộ xã Cổ Loa được thành lập, đồng chí được giao làm Bí thư Chi bộ xã. Sau đó, từ năm 1946 đến 1980, đồng chí đảm nhiệm các cương vị: Thường vụ Huyện ủy, Chủ nhiệm Việt Minh huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên; Tỉnh ủy viên kiêm Bí thư Huyện ủy Kim Anh, sau đó được giao phụ trách Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phúc Yên; Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Phúc Yên; Phó bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên; Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng; Phó bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng; Phó vụ trưởng, Vụ trưởng Vụ Huấn học; Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng kiêm Tổng biên tập Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản); Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12-1976), đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đến tháng 11-1980, đồng chí là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin. Tháng 11-1981, đồng chí được bầu là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, VI, VII, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được bầu Ủy viên Bộ Chính trị (tháng 5-1988).
Nhiều năm liền trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, đồng chí đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, xây dựng các luận cứ khoa học để góp phần hình thành Cương lĩnh, đường lối của Đảng; vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Những cuốn sách có giá trị lý luận sâu sắc của đồng chí như: “Bản chất cách mạng và khoa học của Đảng ta”, “Một số vấn đề công tác tư tưởng của Đảng”, “Sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực kinh tế”... đã thể hiện tư duy đúng đắn, khoa học, sáng tạo đối với việc nhận thức Chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện mới. Bước vào thời kỳ đổi mới và trong suốt những năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, đồng chí đã cùng tập thể các nhà lãnh đạo, nhà khoa học đi sâu nghiên cứu thực tiễn, tìm tòi, phát hiện cái mới để xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, đặc biệt là đóng góp vào việc hình thành lý luận đường lối đổi mới.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng luôn tỏ rõ phẩm chất đạo đức cao quý của người chiến sĩ cộng sản, đó là sự trung thành tuyệt đối với Đảng, với cách mạng, có bản lĩnh chính trị và năng lực chỉ đạo thực tiễn, đổi mới, trung thực, liêm khiết và ý thức tổ chức kỷ luật cao. Trên cương vị là Thường trực Bộ Chính trị-Ban Bí thư, trong xử lý các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí đã trung thực chắt lọc, ghi nhận những ý kiến thống nhất hình thành quan điểm của Đảng, không lồng ý kiến cá nhân của mình vào nghị quyết của Đảng, làm ảnh hưởng đến tính tập thể và chân thực của nghị quyết. Với tư duy đổi mới và sắc sảo, đồng chí chỉ rõ, để đổi mới tư duy thì đổi mới công tác thông tin là điều kiện quan trọng; do đó, công tác cải tiến hoạt động thông tin của Đảng được đồng chí chỉ đạo quyết liệt, góp phần đáp ứng kịp thời yêu cầu của cách mạng đang đặt ra, theo hướng toàn diện: Đa dạng hóa thông tin và tăng lượng tin hữu ích; mở rộng tính công khai trong hoạt động thông tin; thông tin phải chân thực, góp phần xây dựng tư duy mới, khắc phục tư duy lạc hậu; đưa được tiếng nói của nhân dân tới những cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước; nâng cao tính phê bình, tự phê bình trên các phương tiện thông tin đại chúng, biểu dương nhân tố tích cực và đấu tranh, phản biện những vấn đề, nhân tố tiêu cực; thông tin đến được đúng đối tượng, đến tận những người lao động.
"Đồng chí Đào Duy Tùng sống giản dị, nói giản dị, viết giản dị nhưng chứa đựng một hàm lượng trí tuệ cao và ẩn chứa một quan điểm rất sâu sắc, rất tình cảm với dân tộc và đất nước". Ảnh: Đangcongsasan.vn
Quá trình hoạt động cách mạng, công tác trải dài qua các thời kỳ, giai đoạn đã giúp hình thành ở đồng chí Đào Duy Tùng phong cách làm việc dân chủ, tư duy khoa học, biện chứng, độc lập, sáng tạo và sâu sát thực tiễn; lấy lý luận soi sáng thực tiễn, đồng thời lấy thực tiễn để bổ sung, phát triển lý luận. Trong những tổng kết lý luận của Đảng, đặc biệt là giai đoạn đổi mới, đồng chí đã có những đóng góp vô cùng quan trọng trong phương pháp, cách làm: Tập hợp, so sánh, đối chiếu giữa cái cũ và cái mới, giữa những quan điểm, ý kiến khác nhau; khảo sát, đánh giá, tổng kết thực tiễn, sau đó thảo luận, tranh luận để góp phần đề ra những nguyên tắc đổi mới. Đồng chí luôn tìm tòi cái mới, lắng nghe, tôn trọng mọi ý kiến, đặc biệt là những ý kiến độc đáo, những ý kiến phản biện và khuyến khích cán bộ mạnh dạn phát biểu ý kiến, tranh luận.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí luôn tỏ rõ đức tính khiêm nhường, trung thực, giàu lòng vị tha, nhân hậu, đức độ, gắn bó mật thiết với nhân dân, sống giản dị, nghĩa tình, gần gũi với mọi người và tinh thần hăng hái làm việc tới hơi thở cuối cùng. Trong công việc, đồng chí luôn phát huy dân chủ, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của mọi người, đặt niềm tin vào đồng chí, đồng nghiệp, đã giao việc cho ai thì tin tưởng, động viên, tạo điều kiện và sâu sát đôn đốc, kiểm tra kết quả công việc.
Đồng chí Đào Duy Tùng là nhà lãnh đạo có tư tưởng đổi mới, luôn tìm tòi, sáng tạo những vấn đề mới để vượt lên. Đồng chí là một trong những người tham gia đổi mới từ những năm 1980, cùng với các lần “khoán thử” ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, “khoán 100” rồi “khoán 10” đến Cương lĩnh đổi mới đất nước. Trong những bước ngoặt của cách mạng, đặc biệt là trước những khó khăn, thử thách lớn của đất nước thời kỳ bước vào đổi mới, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo, nhà khoa học đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, dành nhiều thời gian xuống cơ sở, tiếp xúc với nhân dân, học hỏi kinh nghiệm gần xa, lắng nghe, trân trọng mọi ý kiến đóng góp để chắt lọc cái đúng, cái hay, góp sức vào việc xây dựng và phát triển đường lối, chủ trương của Đảng. Có thể nói, “ba quan điểm kinh tế”, “bốn nguy cơ” và “hai điều đánh giá tổng quát” về 10 năm đổi mới là công trình tập thể của Đảng ta nhưng mang dấu ấn của đồng chí Đào Duy Tùng về mặt khái quát lý luận.
Bảy mươi tư năm tuổi đời, hơn năm mươi năm hoạt động cách mạng liên tục; bằng tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh chính trị và kinh nghiệm hoạt động cách mạng phong phú, dạn dày, đồng chí Đào Duy Tùng đã có những đóng góp lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Đồng chí đã nêu gương sáng về người chiến sĩ cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo cao cấp tài năng, đổi mới của Đảng, có nhiều cống hiến xuất sắc trên mặt trận tư tưởng, lý luận; một tấm gương về đạo đức cách mạng cao đẹp. Ở đồng chí Đào Duy Tùng, niềm tin lý tưởng cách mạng luôn dựa trên nền gốc đạo đức vững chắc và một tầm trí tuệ cao, suốt đời phấn đấu không mệt mỏi cho mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Theo Báo Quân đội nhân dân/Thượng tá, Th.s PHẠM THANH TUẤN, Trưởng ban Biên tập xuất bản, Phòng Khoa học quân sự, Học viện Chính trị
(KGO) - Chiều 11-12, đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tiếp xúc cử tri TP. Phú Quốc. Cùng tiếp xúc cử tri TP. Phú Quốc còn có các đại biểu Quốc hội: Đỗ Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang; Nguyễn Danh Tú - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Đại tá Nguyễn Văn Hận - Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: