24/10/2023 19:14
Sáng 24-10, phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng) nhận định, đất nước đã đạt nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, trong đó cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra và tiếp tục trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu.
Khẳng định những kết quả đạt được rất ấn tượng, đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết, qua tham gia các hoạt động đa phương, gặp gỡ một số lãnh đạo các nước, cơ bản các nhà lãnh đạo đánh giá rất cao nỗ lực, bày tỏ ấn tượng đối với thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước ghi nhận những hạn chế, khó khăn còn rất nhiều, rất lớn. Chẳng hạn, thị trường bất động sản trong gần 2 năm qua còn nhiều vướng mắc; thị trường trái phiếu doanh nghiệp, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, cơ cấu lại ngân hàng... cũng chưa triệt để. Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, những hạn chế nói trên tiềm ẩn rủi ro rất lớn.
Điểm lại tình hình thực hiện một số chủ trương quan trọng, Chủ tịch nước nhấn mạnh, bên cạnh tác động từ bên ngoài, những yếu kém trong tổ chức thực hiện thì việc phân cấp, phân quyền vẫn chưa đạt kết quả cao, chưa khích lệ được tinh thần dám chịu trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hệ thống chính trị.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ ĐBQH.
“Kết luận của Đảng có nêu một vấn đề là phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền rõ ràng, minh bạch theo hướng cấp dưới không phải đi hỏi cấp trên chuyện của mình và cấp trên không phải vói tay xuống làm những việc của cấp dưới. Khi cần thiết hỏi phải trả lời rõ ràng, minh bạch. Điều này chúng ta chưa thực hiện được”, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh; đồng thời chỉ ra thực trạng có nhiều việc, quyền hạn không rõ, mỗi lần đi hỏi mất tối thiểu 3 tháng, trung bình 6 tháng và thậm chí có vấn đề tới 9 tháng để nhận một văn bản “làm theo quy định của pháp luật".
Tư duy thích “ôm quyền” trong xây dựng chính sách cũng là một trở ngại cần khắc phục. Chủ tịch nước cho hay, một số vấn đề giao quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhưng thực tế lên tới đây là không… “bác” được nữa. “Thế thì có cần giữ lại quyền đó không hay để địa phương giải quyết rồi tự chịu trách nhiệm”, Chủ tịch nước nêu.
Nêu một thực tế không vui là người dân khi “đụng chuyện” thường nghĩ ngay mình có quen ai không, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói: “Lẽ ra khi gặp khó phải nghĩ ngay đến chính quyền, nghĩ ngay đến đến luật pháp thì mới là tư duy lành mạnh và chúng ta sẽ hướng tới điều đó. Đừng để khi dân khó, dân muốn làm gì thì nghĩ bây giờ gặp ai, nhờ ông bà nào nói giúp".
Chủ tịch nước cũng chia sẻ mong muốn các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo địa phương phản ánh cụ thể những vướng mắc trong pháp luật, nghị định, thông tư; không nói chung chung để cùng tháo gỡ, thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng
(KGO) - Chiều 12-12, Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang tổ chức họp Ban Chỉ đạo tỉnh và Tổ Biên tập tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chủ trì cuộc họp.
Tổng số lượt truy cập: