16/11/2022 15:12
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Sân bay Không quân Hoàng gia Thái Lan. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và phu nhân ra tận sân bay đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân. Lễ đón tại sân bay có Đội tiêu binh danh dự Quân đội Hoàng gia Thái Lan đứng hai bên thảm đỏ. Cùng lúc, 21 phát đại bác vang lên chào mừng. Đây là nghi thức đặc biệt, thể hiện sự coi trọng của Thái Lan đối với chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng Đoàn cấp cao của Việt Nam - đối tác quan trọng hàng đầu của Thái Lan trong khu vực ASEAN, khuôn khổ hợp tác Mekong; đồng thời cũng cho thấy vai trò chủ nhà Thái Lan - đối tác trách nhiệm, tin cậy, uy tín của Việt Nam trong Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương.
Đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân và đoàn cấp cao Việt Nam tại sân bay còn có nhiều quan chức Chính phủ và Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura. Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành cùng đông đảo cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan.
Thái Lan có diện tích lớn thứ 50 thế giới; thu nhập bình quân đầu người khoảng 7.189 USD/năm (2020). Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2,5%. Chuyến thăm chính thức Thái Lan của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân diễn ra trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2021 và đang hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2023. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai nước.
Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 29 được tổ chức tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan. Qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, APEC tiếp tục khẳng định là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, khởi xướng và đi đầu thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực và trên thế giới, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương. Diễn đàn hiện có 21 nền kinh tế thành viên; trong đó bao gồm những nền kinh tế hàng đầu thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…), 9 thành viên thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động, đại diện khoảng 38% dân số thế giới, đóng góp 61% GDP và 47% thương mại toàn cầu.
Theo chương trình, trong thời gian chuyến thăm từ 16 đến 19-11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân sẽ có cuộc hội kiến Nhà vua Thái Lan và Hoàng hậu; hội đàm với Thủ tướng Thái Lan, chứng kiến lễ ký kết trao đổi một số văn kiện hợp tác giữa hai nước. Chủ tịch nước cũng sẽ có các cuộc gặp các nhà lãnh đạo Thái Lan; tiếp một số tổ chức hữu nghị và đại diện tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Thái Lan. Trong dịp này Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan và một số hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Cũng theo chương trình, trong khuôn khổ tham dự Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 29, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Hội nghị CEO Summit; dẫn đầu đoàn Việt Nam dự các phiên họp quan trọng của Hội nghị cấp cao APEC và có các cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo APEC và các khách mời. Đoàn Việt Nam cũng tham dự tất cả các hoạt động lớn của Tuần lễ cấp cao, tiếp xúc rộng rãi các đối tác quan trọng trong APEC và các tập đoàn doanh nghiệp lớn ở khu vực.
Theo TTXVN
(KGO) - Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ XVI năm 2024 diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 13 đến 16-11 (nhằm ngày 13 đến 16-10 âm lịch) vào dịp lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer. Ngày hội được tổ chức tại thị trấn Gò Quao (Gò Quao) với nhiều hoạt động hấp dẫn và phù hợp với truyền thống, phong tục của đồng bào Khmer.
Tổng số lượt truy cập: