Báo Kiên Giang Báo Kiên Giang
  • Video
  • Podcast
  • Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Giải trí
  • Giáo dục
  • Khoa học - Công nghệ
  • Pháp luật
  • Du lịch
  • Sức khỏe
  • Thế giới

Trang chủ Chính trị

Theo dõi báo điện tử Kiên Giang trên

Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lãnh tụ thiên tài, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới

19/05/2025 09:16

(KGO) - Ngày 19-5-1890, tại làng Sen (Nghệ An), cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã cất tiếng khóc chào đời. Thời điểm ấy, không ai biết rằng cậu bé đó sau này sẽ làm thay đổi vận mệnh của cả một dân tộc, trở thành vị lãnh tụ thiên tài, nhà cách mạng kiệt xuất, anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa Thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: TTXVN

Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là hành trình đấu tranh không nghỉ vì độc lập, tự do cho dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân. Người chính là biểu tượng sinh động nhất cho khát vọng tự do, là tấm gương đạo đức sáng ngời, là cội nguồn mọi thắng lợi của đất nước.

Người khai sáng con đường giải phóng dân tộc Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà yêu nước vĩ đại, người khai sáng con đường giải phóng dân tộc Việt Nam, là hình mẫu của một người chiến sỹ cách mạng trọn đời hy sinh vì nước, vì dân.

Người chỉ có một ham muốn, một mục tiêu duy nhất: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành." (1)

Bến Nhà Rồng, nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước năm 1911. Ảnh: TTXVN

Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, ngay từ thuở thiếu thời, cậu bé Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành đã nuôi dưỡng trong mình khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc.

Năm 1911, Người ra đi tìm đường cứu nước với quyết tâm không gì lay chuyển nổi: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta" (2).

Trong hành trình 30 năm bôn ba, từ châu Á sang châu Âu, châu Phi rồi sang tận châu Mỹ, Người đã tiếp cận ánh sáng của chủ nghĩa Marx-Lenin, xác định được con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Người khẳng định: “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản".

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) phát biểu tại Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Pháp họp ở thành phố Tua. Đồng chí là người Việt Nam đầu tiên trở thành người cộng sản và là một trong những sang lập viên của Đảng Cộng sản Pháp (12/1920). Ảnh: TTXVN

Sự lựa chọn đó dẫn tới sự kiện lịch sử trọng đại: ngày 3-2-1930, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Sự ra đời của Đảng là kết quả kết tinh của lý luận cách mạng tiên tiến và phong trào yêu nước Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam.

Từ ngày 6-1 đến 7-2-1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam họp ở Hong Kong (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản. Ảnh: TTXVN phát

Người xác định rõ: Đảng ta là một Đảng cách mạng, một Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của toàn dân tộc. Từ đây, với vai trò là người sáng lập, dẫn dắt và chèo lái, Người đã trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam tiến bước vững chắc trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đỉnh cao đầu tiên của sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác kính yêu chính là thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công-nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy." (3)

Sáng 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, độc lập chưa được bao lâu, dân tộc ta lại buộc phải bước vào những cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Trong suốt những năm tháng khốc liệt ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là người lãnh đạo tối cao, vừa là linh hồn của kháng chiến, luôn cổ vũ ý chí sắt đá và niềm tin chiến thắng cho toàn dân tộc.

Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do" không chỉ là khẩu hiệu chiến đấu mà còn là lẽ sống, là linh hồn của sự nghiệp cách mạng mà Người theo đuổi đến hơi thở cuối cùng.

Dù trong gian khổ, tù đày hay khi ở trên cương vị nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những gì tôi muốn, đấy là tất cả những gì tôi hiểu" (4). Chính sự nhất quán giữa lời nói và hành động, giữa lý tưởng và cuộc sống đã làm nên một vị lãnh tụ vĩ đại.

Không chỉ dừng lại ở sự nghiệp giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người xây nền móng cho việc xây dựng một nhà nước mới - nhà nước của dân, do dân và vì dân. Người luôn nhấn mạnh: “Nước lấy dân làm gốc."

Hồ Chủ tịch đến thăm và nói chuyện với đơn vị bộ đội đóng tại tỉnh Nam Định ngày 24-4-1957. Ảnh: TTXVN

Quan điểm ấy không chỉ thể hiện trong tư tưởng mà còn trong phong cách sống, phương pháp lãnh đạo của Người. Người căn dặn cán bộ, đảng viên phải luôn gần dân, hiểu dân, lắng nghe và phục vụ dân.

Người nhấn mạnh: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi." (5)

Những tháng cuối đời, mặc dù bệnh nặng, Người vẫn dành trọn suy nghĩ và tình cảm cho đất nước và Nhân dân. Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lời căn dặn, mà còn là bản tổng kết trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao cả của một bậc vĩ nhân.

Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong Di chúc, Người viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân" (6). Đó không chỉ là lời tổng kết cho một đời người, mà còn là chân lý sống đã được Người thực hiện một cách trọn vẹn suốt hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng.

Sáng mãi tư tưởng và nhân cách Hồ Chí Minh

Nếu sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc là đỉnh cao vĩ đại của trí tuệ và bản lĩnh Hồ Chí Minh, thì đạo đức và tình yêu thương con người là đỉnh cao nhân cách của Người - một con người suốt đời “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ."

Trong tư tưởng và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng không phải là những khái niệm giáo điều, xa vời, mà chính là sự kết tinh giữa lý tưởng cộng sản và lòng nhân ái truyền thống của dân tộc Việt Nam, giữa bản lĩnh kiên cường và trái tim nhân hậu, bao dung.

Đạo đức mà Người nêu cao là đạo đức hành động, được thể hiện sinh động trong lối sống, trong từng việc làm hằng ngày. Đó là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; là tinh thần vị tha, lối sống giản dị, gần gũi, hòa mình với Nhân dân. Người nhiều lần khẳng định, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không phải chỉ có lòng yêu nước mà còn phải có đạo đức cách mạng.

Người cũng luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, bởi: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong." (7)

Đi đôi với tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng là đấu tranh chống lại những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, của thói quan liêu, tham nhũng, hách dịch và lạm dụng quyền lực. Người gọi chủ nghĩa cá nhân là “giặc nội xâm," là căn bệnh nguy hiểm nhất đối với người cán bộ cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu quân đội về dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960). Ảnh: TTXVN

Người nhấn mạnh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân" (8). Cảnh báo ấy còn nguyên giá trị đến hôm nay.

Tư tưởng đạo đức của Bác gắn liền và thấm đẫm trong chính cuộc sống đời thường của Người. Bác sống thanh bạch, giản dị đến mức làm lay động lòng người. Trong kháng chiến, Bác ăn cơm nắm, ngủ lán rừng cùng chiến sỹ, Bác không nhận bất kỳ sự đãi ngộ đặc biệt nào cho riêng mình.

Khi đất nước hòa bình, giữa Thủ đô Hà Nội, Bác vẫn chọn sống trong căn nhà sàn đơn sơ bằng gỗ, chỉ vài bộ quần áo kaki đã bạc màu, chiếc quạt nan, đôi dép cao su mòn gót... Từ những điều bình dị ấy, một nhân cách lớn đã tỏa sáng.

Nhà thơ Tố Hữu từng viết về Bác:

"Nhà gác đơn sơ, một góc vườn

Gỗ thường mộc mạc, chẳng mùi sơn

Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối

Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn..."

Đối với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ, là người đứng đầu Đảng và nhà nước, mà còn là người con chí hiếu, người bạn chân thành, người cha già nhân hậu. Bác yêu thương nhân dân bằng trái tim nồng ấm, vô điều kiện, vượt lên mọi giới hạn về tầng lớp, vùng miền.

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm hỏi và nói chuyện với đồng theo đạo Thiên Chúa ở thôn Thạch Bích, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Đông (nay là Hà Nội) ngày 5-12-1959. Ảnh: TTXVN

Tình yêu thương của Người với nhân dân không phải là sự ban phát từ trên xuống, mà là tình cảm máu thịt, thấm đẫm trong từng suy nghĩ, hành động.

Khi bàn về mục tiêu độc lập dân tộc, Người luôn gắn với hạnh phúc của người dân: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ" (9). Đối với Bác, cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân chính là thước đo cao nhất của độc lập dân tộc.

Và trong bản Di chúc thiêng liêng, điều Người trăn trở đến cuối đời vẫn là “phải chăm lo đời sống của Nhân dân," phải “bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thế hệ sau," phải giữ cho Đảng ta “thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân." Những lời căn dặn ấy không chỉ thể hiện tâm nguyện cuối đời của một lãnh tụ mà còn là một tấm gương sáng về sự tận tụy, yêu thương và đức hy sinh vô hạn.

Có thể thấy, đạo đức Hồ Chí Minh là kết tinh rực rỡ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn cao cả. Đó là tài sản tinh thần vô giá mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện suốt đời học tập, làm theo, là ngọn đèn soi sáng cho con đường phát triển bền vững của đất nước.

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản anh hùng ca vĩ đại về sự hy sinh, tận hiến cho độc lập dân tộc, cho tự do và hạnh phúc của nhân dân. Người không chỉ làm nên lịch sử mà còn để lại di sản tinh thần vô giá cho dân tộc Việt Nam. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ luôn là ánh sáng dẫn đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (1960). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Theo Vietnam+

  • Từ khóa:
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh
  • Ngày sinh của Bác
  • Nguyễn Sinh Cung

Tin cùng mục

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân

(KGO) - Báo Kiên Giang điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm với tiêu đề: "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân".

  • Tổng Bí thư Tô Lâm: 4 Nghị quyết của Bộ Chính trị là "Bộ tứ trụ cột" để đất nước cất cánh
    Tổng Bí thư Tô Lâm: 4 Nghị quyết của Bộ Chính trị là "Bộ tứ trụ cột" để đất nước cất cánh
  • Hơn 1,5 triệu đại biểu tham dự hội nghị toàn quốc quán triệt hai Nghị quyết 66-NQ/TW, 68-NQ/TW
    Hơn 1,5 triệu đại biểu tham dự hội nghị toàn quốc quán triệt hai Nghị quyết 66-NQ/TW, 68-NQ/TW
  • Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là tấm gương sáng ngời cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo
    Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là tấm gương sáng ngời cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo
  • Quốc hội thông qua nghị quyết, tạo cơ chế đột phá phát triển kinh tế tư nhân
    Quốc hội thông qua nghị quyết, tạo cơ chế đột phá phát triển kinh tế tư nhân

Tin nổi bật

Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lãnh tụ thiên tài, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới

Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lãnh tụ thiên tài, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới

Hơn 1,5 triệu đại biểu tham dự hội nghị toàn quốc quán triệt hai Nghị quyết 66-NQ/TW, 68-NQ/TW

Hơn 1,5 triệu đại biểu tham dự hội nghị toàn quốc quán triệt hai Nghị quyết 66-NQ/TW, 68-NQ/TW

Ra quân ngày hội thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác

Ra quân ngày hội thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác

[Infographics] Người dân góp ý sửa đổi Hiến pháp dễ dàng hơn qua VNeID

[Infographics] Người dân góp ý sửa đổi Hiến pháp dễ dàng hơn qua VNeID

 Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Tiến Hải làm việc tại huyện U Minh Thượng

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Tiến Hải làm việc tại huyện U Minh Thượng

[Infographics] Những điểm cần lưu ý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

[Infographics] Những điểm cần lưu ý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

Kiên Giang chỉ đạo tăng cường triển khai công tác y tế trường học

Kiên Giang chỉ đạo tăng cường triển khai công tác y tế trường học

Kiên Giang đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Kiên Giang đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

  • Ẩm thực
  • Chính trị
  • Nông thôn mới
  • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Phóng sự - Ghi chép
  • Thời trang
  • Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
  • Xã hội
  • Bạn đọc
  • Nhân sự
  • Tinh gọn bộ máy
  • Văn hóa - Giải trí
  • Cải cách hành chính
  • Giáo dục
  • Khoa học - Công nghệ
  • Quốc phòng - An ninh
  • Đối ngoại
  • Pháp luật
  • Du lịch
  • Sức khỏe
  • Thế giới
  • Truyện ngắn
  • Thơ
  • Tản văn
Media Báo in
  • Theo dõi báo Kiên Giang trên
  • Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Kiên Giang
  • Tổng Biên tập: LÂM VĂN SỂN
  • Phó Tổng Biên tập: Võ Hoàng Đương - Nguyễn Việt Tiến - Lâm Việt Khởi
  • Toà soạn: Số 16 đường Mạc Đĩnh Chi, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang
  • Điện thoại: 0297.3899008 - Email: toasoan@baokiengiang.vn; baokiengiangdt@gmail.com (chuyên mục văn nghệ)
  • © 2021 Bản quyền thuộc về Báo Kiên Giang
  • Liên hệ quảng cáo: 0297.3949460. - Fax: 0297.3877518
  • Giấy phép số 60/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông, cấp ngày 25/01/2022 
  • Ghi rõ nguồn khi phát hành thông tin tại website này.

Tổng số lượt truy cập: