03/02/2021 09:41
Cùng với quân dân toàn miền Nam, quân dân Rạch Giá đã liên tiếp tấn công địch lập thành tích chào mừng kỷ niệm 36 năm ngày thành lập Đảng.
Lúc bấy giờ, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Rạch Giá, tờ báo “Giải phóng” - cơ quan của Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Rạch Giá được đổi tên thành “Chiến thắng” - cơ quan tranh đấu của nhân dân tỉnh Rạch Giá cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.
Tôi được may mắn còn giữ lại tờ báo “Chiến thắng” số đặc biệt kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3-2-1966. Tờ báo cách đây 55 năm. Lúc bấy giờ cơ quan Thông tấn Báo chí và nhà in Hồ Văn Tẩu đóng quân ở xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao.
Mặc dù phương tiện in ấn còn nhiều khó khăn, nhưng tờ báo được xếp bằng chữ chì, in bằng máy in tự chế tạo, khổ giấy 30x40cm, 8 trang, ấn phẩm 5.000 bản. Nội dung tờ báo có thể tóm tắt như sau:
Tờ báo Chiến thắng kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3-2-1966.
Trên trang nhất: Với dòng chữ lớn chạy dài nổi bật màu đỏ: Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam muôn năm. Phía dưới bên trái là tranh cổ động với khí thế xông lên của 3 mũi giáp công, nòng cốt là liên minh công nông dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng lên tiêu diệt quân thù, giải phóng quê hương. Tranh khắc gỗ của họa sĩ Hồng Văn Quang (tức Bảy Vệ), vừa minh họa, trình bày cho tờ báo “Chiến thắng” và tờ tập san “Hương tràm” của Tiểu ban Văn nghệ. Năm 1971, đồng chỉ Bảy Vệ đã hy sinh trong trận càn quét dài ngày của địch ở rạch Thuồng Luồng, xã Đông Hưng, huyện An Biên.
Bên cạnh tờ báo có bài xã luận với tựa đề: “Kiên quyết tiến lên theo ngọn cờ của Đảng, nâng cao hơn nữa tinh thần quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”. Nội dung bài báo nhằm ôn lại lịch sử vẻ vang của Đảng, phát huy tinh thần cách mạng tiến công, quân dân trong tỉnh đoàn kết tiến lên giành thắng lợi to lớn. Có thể nói trong tòa soạn lúc bấy giờ, phụ trách chuyên mục nghị luận này là đồng chí Nguyễn Văn Thâu, có bút danh là Trung Vũ, còn gọi là Ba Trung, Phó Tiểu ban Thông tấn Báo chí. Đồng chí đã hy sinh năm 1971 trong trận chiến đấu 78 ngày đêm ở Ba Hòn (Hòn Đất).
Trang 2 tờ báo “Chiến thắng” có quyết định của Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Rạch Giá tặng bằng khen cho các xã Đông Hòa, Vĩnh Hòa Hưng, Vĩnh Bình Bắc, đội du kích xã Thạnh Đông (Tân Hiệp), Giao Bưu vận tỉnh, nhà in Hồ Văn Tẩu, Đoàn Văn công tỉnh đã lập nhiều thành tích trong phong trào thi đua quyết thắng, giết giặc lập công.
Trang 3 có bài “Lớn lên” của Chí Tâm, tức Văn Thông ghi lại lịch sử chiến đấu của Đảng bộ tỉnh Rạch Giá. Từ những chi bộ được thành lập đầu tiên như ở Vĩnh Thuận, Mỹ Lâm, Mỹ Qưới, Ninh Qưới, Vĩnh Hòa Hưng… ngày nay các cơ sở Đảng đã phát triển đều khắp ở trong tỉnh. Đồng chí Văn Thông được rút về Tiểu ban Giáo dục Khu Tây Nam bộ; sau giải phóng làm Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh An Giang…
Trang 4, trong chuyên mục “Truyền thống nông dân” có bài viết “Phất cờ chống dốt” của Vĩnh Tiến. Bài báo phản ánh phong trào học bổ túc văn hóa ở xã Đông Hòa, huyện An Biên - là xã ngọn cờ đầu trong phong trào chống dốt của tỉnh. Được biết tác giả Vĩnh Tiến là đồng chí Trương Văn Khải, lúc bấy giờ là Ủy viên Ban Tuyên giáo, Trưởng Tiểu ban Giáo dục tỉnh Rạch Giá. Sau ngày giải phóng đồng chí là Tỉnh ủy viên, rồi Thường vụ Tỉnh ủy, giữ các chức vụ Trưởng Ban Tuyên giáo, Trưởng Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng, Giám đốc Trường Đảng tỉnh, Bí thư Thị xã ủy Rạch Giá, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng chí từ trần năm 2000 tại phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá.
Trang 5 và 6 - trang văn hóa - văn nghệ có bài “Chuyện cô Lợi” của Việt - Hoa và bài bút ký “Bên ngọn đèn khuya” của Thanh Toàn viết về phong trào tòng quân giết giặc ở huyện Vĩnh Thuận và An Biên.
Đặc biệt là bài phóng sự “Đêm liên hoan mùa xuân” của tác giả Thanh Quang. Bài báo phản ánh không khí sôi động của đêm giao thừa do Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng tỉnh tổ chức, cuộc họp mặt gặp gỡ giữa thanh niên, học sinh thị xã, thị trấn và thanh niên vùng nông thôn giải phóng.
Được biết tác giả Thanh Quang là bút danh của đồng chí Nguyễn Chiến Thắng, Hoàng Hảo (Tư Hảo). Lúc bấy giờ đồng chí là Ủy viên Ban Tuyên giáo, Trưởng Tiểu ban Thông tấn Báo chỉ tỉnh Rạch Giá. Đồng chí là nhà báo đa năng, vừa viết báo, viết văn, làm thơ và nhiều chuyên mục khác, đặc biệt là về phiếm luận. Ngày 22-2-1971, đồng chí đã hy sinh tại kênh Thầy Qươn, ấp Vĩnh Chánh, xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Thuận).
Trang thơ có bài “Bên chiến hào” của tác giả Như Liên có đoạn:
“Hôm nay hát giữa chiến hào
Tiếng hát lại vút cao
Quyện theo làn khói lam chiều
Súng tay anh đỏ lửa…”
Trang 7 và 8 dành cho thời sự, có tin thế giới, tin miền Bắc, tin miền Nam, tin trong tỉnh. Nổi bật là bài viết về “Phong trào công nhân lao động trong các nước tư bản rầm rộ bãi công, phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam”. Đặc biệt là “Chiến thắng lớn ở Bình Định”, các lực lượng vũ trang đã tập kích sở chỉ huy hành quân của địch ở vùng Núi Một - Phù Cát, tiêu diệt gần 1.000 tên Mỹ - ngụy; phá hủy và hỏng trên 80 máy bay và 150 xe quân sự.
Ngoài ra còn có “Hộp thư tòa soạn”. Mục “Nụ cười chiến thắng” có mẩu chuyện “Đánh giặc kiểu Mỹ” của Tư Móc và tranh đả kích của họa sĩ Nguyễn Công Khanh (Bảy Truyền)…
Chiến tranh đã đi qua hơn nửa thế kỷ. Những tờ báo trong kháng chiến chống Mỹ còn lưu giữ được đến ngày nay là rất quý giá. Đó là vật kỷ niệm của người làm báo, là chứng tích lịch sử những sự kiện, góp phần tô điểm cho truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ tỉnh nhà.
TRƯƠNG THANH NHÃ
(KGO) - Năm học 2023-2024, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang, Tỉnh đoàn Kiên Giang, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang đã phối hợp vận động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ trên 15,3 tỷ đồng thực hiện các hoạt động nhân đạo (đạt 219,8% kế hoạch).
Tổng số lượt truy cập: