31/01/2021 13:44
QUY TRÌNH NHÂN SỰ CHẶT CHẼ
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho biết công tác chuẩn bị nhân sự được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, sự đoàn kết, thống nhất cao; đồng thời tiến hành một cách khoa học, khách quan, toàn diện, hiệu quả theo phương châm làm từng bước, từng việc, từng khâu, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng.
Đồng chí Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trả lời phỏng vấn của phóng viên về công tác nhân sự.
Công tác nhân sự thực hiện có hiệu quả quan điểm xử lý hài hòa, hợp lý giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa tính phổ biến và tính đặc thù; giữa chuyên môn đào tạo và sở trường, năng lực thực tiễn; giữa kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển; trong đó đặc biệt coi trọng chất lượng, hiệu quả; bảo đảm phù hợp về cơ cấu theo địa bàn, lĩnh vực công tác, độ tuổi, giới tính, dân tộc... nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Đại hội sẽ kiên quyết không để lọt những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương nhưng cũng không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và trong nhân dân. Quy trình nhân sự được tiến hành theo các bước chặt chẽ, kỹ lưỡng, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; đồng thời được cụ thể hóa cho cả các trường hợp tái cử, lần đầu tham gia và theo từng nhóm đối tượng chức danh.
Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải bảo đảm chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; bảo đảm sự kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển liên tục và có sự chuyển tiếp giữa các thế hệ. Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã xác định có 200 đồng chí, trong đó 180 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng chính thức và 20 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng dự khuyết.
PHÁT HUY DÂN CHỦ
“Quy trình của các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được thực hiện 5 bước. Các đồng chí thuộc trường hợp đặc biệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện theo quy trình 2 vòng, 8 bước, như vậy, quy trình hết sức chặt chẽ và rất rộng”, đồng chí Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết.
Nói về cơ chế đề cử thêm ứng viên Ban Chấp hành Trung ương khóa mới tại đại hội, đồng chí Hầu A Lềnh cho rằng kỳ đại hội Đảng nào cũng vậy, các đại biểu chính thức dự đại hội đều được quyền đề cử hoặc tự ứng cử trên cơ sở đề án nhân sự. Khi đề án được trình bày, các đại biểu được quyền đề cử người khác hoặc bản thân mình ứng cử. Khi đề cử, đại biểu phải có đầy đủ hồ sơ ứng viên, đảm bảo việc đề cử là chính xác và gửi tới đoàn đại biểu của mình. Đoàn đại biểu sẽ có trách nhiệm báo cáo việc đề cử, ứng cử với Đoàn Chủ tịch Đại hội. Đoàn Chủ tịch sẽ xem xét và báo cáo đại hội.
Quan điểm của Đảng ta là tất cả các lĩnh vực, địa bàn được cơ cấu có đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng để Đảng phân công phụ trách. Các lĩnh vực quan trọng và trọng yếu được xác định là đối ngoại, an ninh, quân đội, các ngành, lĩnh vực quan trọng của đất nước. Số lượng cho từng khu vực này cũng phải hợp lý chứ không phải vì quan trọng mà tăng số lượng hay không quan trọng mà giảm đi. Đại hội XII của Đảng cũng như chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII đều quán triệt quan điểm này. Các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Ban Chấp hành Trung ương khóa XII giới thiệu ra Đại hội XIII đều đã tính đến những yếu tố đó và có danh sách ở tất cả các lĩnh vực quan trọng.
Bài và ảnh: TÂY ĐÔ
(KGO) - Năm 2024, Đảng bộ, quân, dân TP. Rạch Giá thực hiện đạt và vượt 24/24 chỉ tiêu, trong đó 19 chỉ tiêu vượt, 5 chỉ tiêu đạt.
Tổng số lượt truy cập: