25/08/2022 09:16
Theo đồng chí Danh Nhỏ - Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Kiên Giang, chất vấn được xem là công cụ giám sát trực tiếp nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.
HĐND tỉnh Kiên Giang có 4 ban, mỗi ban có nhiệm vụ, vai trò, chức năng riêng. Thành viên mỗi ban được cơ cấu từ các sở, ngành và địa phương cũng có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Để chuẩn bị cho 2 kỳ họp chính trong năm của HĐND tỉnh, mỗi ban được Thường trực HĐND tỉnh giao nhiệm vụ như giám sát, khảo sát, thẩm tra các dự thảo nghị quyết, tờ trình.
“Từ những đại biểu ở các địa phương, ngành khác nhau cùng hoạt động, thành viên ban HĐND tỉnh Kiên Giang sẽ trao đổi, tìm hiểu, nắm bắt những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, xem những vấn đề nào cần ý kiến phản biện, chất vấn hoặc cần có tiếng nói để cấp trên chỉ đạo gấp, đại biểu HĐND phải chất vấn tới cùng”, đồng chí Danh Nhỏ cho biết.
Qua theo dõi các kỳ họp của HĐND tỉnh Kiên Giang, hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh đối với lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại mỗi phiên chất vấn thường 10-14 câu hỏi, tập trung khoảng 5-6 nhóm vấn đề mà cử tri trong tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, một số ít đại biểu HĐND tỉnh thường xuyên tham gia chất vấn.
Các kỳ họp giữa năm và cuối năm của HĐND các cấp rất quan trọng, thường tập trung thảo luận nhiệm vụ, giải pháp nâng cao vai trò lãnh đạo của Ủy ban nhân dân, các ngành trong điều hành kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc chất vấn để tìm ra các giải pháp thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ thời gian tới thường rất ít được thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Văn Mau - Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Kiên Giang cho rằng, chất vấn là hình thức giám sát hiệu quả của HĐND các cấp. Khi chất vấn là đại biểu HĐND thay mặt cử tri chất vấn để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Văn Mau cũng thừa nhận, thời gian qua ít đại biểu tham gia chất vấn.
Đồng chí Nguyễn Đức Kỉnh - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phú Quốc, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang đơn vị TP. Phú Quốc tham gia chất vấn lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tại kỳ họp thứ 6, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, ngày 16-6-2022.
Để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn tại các kỳ họp HĐND, thể hiện trách nhiệm với cử tri, lãnh đạo các ban HĐND tỉnh cho rằng, cần bầu chọn đại biểu HĐND có tâm, có trách nhiệm với cử tri. Đại biểu HĐND phải có khả năng nắm vững nội dung chất vấn, có thể đối chiếu với các quy định hiện hành; đồng thời, phải đeo bám đến cùng nội dung mình đã chất vấn xem các ngành giải quyết đến đâu.
Theo đồng chí Trần Văn Mứng - nguyên Ủy viên Thường trực, nguyên Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Kiên Giang, điều quan trọng là đại biểu HĐND phải có tâm huyết, trách nhiệm với cử tri. Đại biểu HĐND phải chuẩn bị kỹ câu hỏi chất vấn, thu thập đầy đủ thông tin, phân tích thấu đáo những vấn đề cử tri kiến nghị. Câu hỏi đại biểu HĐND chuẩn bị chất vấn cần ngắn gọn, đi thẳng vào bản chất của vấn đề.
“Khi chất vấn, đại biểu cần có bản lĩnh, bình tĩnh xử lý thông tin, tránh nôn nóng trước những bức xúc của cử tri mà đặt câu hỏi theo cảm tính cá nhân. Khi các nội dung chất vấn được trả lời, đại biểu phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện, những cam kết của lãnh đạo sở, ngành nếu chưa làm tốt sẽ tiến hành chất vấn sau kỳ họp hoặc tại kỳ họp sau”, đồng chí Trần Văn Mứng chia sẻ.
Theo đồng chí Danh Nhỏ, tại phiên chất vấn, đại biểu HĐND chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm nhất của địa phương để yêu cầu người có trách nhiệm trả lời tại kỳ họp và truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi, giám sát. Nếu chất vấn mà chưa rõ vấn đề, các ban, đại biểu HĐND có thể giám sát hoặc khảo sát, theo dõi việc chính quyền, cơ quan các cấp giải quyết hiệu quả ý kiến của cử tri hay không.
Để làm tốt việc này sau 6 tháng, mỗi ban HĐND sẽ họp và đề xuất nội dung giám sát cho năm sau. Trên cơ sở giám sát, khảo sát đại biểu HĐND sẽ có cơ sở tham gia chất vấn.
“Hoạt động giám sát, khảo sát, cùng với chất vấn là 2 chức năng chính của HĐND. Vừa qua, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Kiên Giang thực hiện 1 cuộc giám sát, trong đó có 2 đồng chí lãnh đạo địa phương là thành viên Ban Dân tộc đi cùng, giúp ban nắm thêm về mức độ, quy định của pháp luật hay những vấn đề chưa đúng, thiếu sót… của địa phương. Các thành viên ban có tiếng nói với ngành chức năng tỉnh thông qua hoạt động chất vấn, góp phần cho quá trình điều hành, quản lý của chính quyền đi vào nề nếp, đúng quy định của pháp luật”, đồng chí Danh Nhỏ nói.
Bài và ảnh: QUỐC TRINH
(KGO) - Chiều 11-12, đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tiếp xúc cử tri TP. Phú Quốc. Cùng tiếp xúc cử tri TP. Phú Quốc còn có các đại biểu Quốc hội: Đỗ Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang; Nguyễn Danh Tú - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Đại tá Nguyễn Văn Hận - Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: