18/09/2023 16:00
Để thực hiện cuộc giám sát chuyên đề đòi hỏi thường trực, các ban, đặc biệt là lãnh đạo chuyên trách các ban, các ủy viên cần có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực dự định giám sát, phải đầu tư nghiên cứu, nắm bắt thông tin…; xây dựng kế hoạch, đề cương báo cáo chi tiết, khoa học, chất lượng; phản biện, đặt vấn đề trọng tâm đối với đối tượng chịu sự giám sát trực tiếp; cuối cùng là xây dựng báo cáo kết quả giám sát. Qua đó phải đánh giá, nhận xét nội dung giám sát khách quan, trung thực, xác định nguyên nhân chủ yếu (khách quan, chủ quan), từ đó đưa ra đề xuất, kiến nghị đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.
So với hoạt động giám sát khác, giám sát chuyên đề đòi hỏi sự cầu thị, thời gian, nhân lực và tài lực, nên thông thường hoạt động giám sát chuyên đề đem lại hiệu quả thiết thực, là nền tảng thể hiện sự quyền lực ở địa phương có tính bắt buộc để các cơ quan chịu sự giám sát kịp thời điều chỉnh hoạt động chuyên môn, quản lý hành chính, khắc phục hạn chế, yếu kém, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng đời sống xã hội của nhân dân.
Bình quân HĐND tỉnh Kiên Giang mỗi năm có 9 cuộc giám sát chuyên đề, trong đó, Thường trực HĐND tỉnh 1 cuộc, các ban HĐND mỗi ban 2 cuộc.
Với số lượng các cuộc giám sát chuyên đề như trên hầu như đảm bảo được các lĩnh vực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương được xem xét, đánh giá, đặc biệt là các vấn đề được cử tri, nhân dân quan tâm, những vấn đề của dư luận xã hội và các lĩnh vực trọng tâm thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước.
Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Kiên Giang tổ chức cuộc họp thông qua báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện công tác y tế cộng đồng, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại tuyến y tế cơ sở. Ảnh: THU OANH
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức 15 cuộc giám sát chuyên đề ở các lĩnh vực; qua đó, có 144 đề xuất, kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ và UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn, UBND cấp huyện và các cơ quan tư pháp trên địa bàn.
Nhìn chung, các đề xuất, kiến nghị của Thường trực và các ban HĐND tỉnh đa phần được UBND tỉnh, các cơ quan thẩm quyền địa phương tiếp thu và chỉ đạo thực hiện. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh một số hạn chế, vướng mắc trong hoạt động quản lý hành chính ở các lĩnh vực, đáp ứng phần nào nhu cầu quản lý xã hội đối với các cơ quan nhà nước ở địa phương.
Trong quá trình hoạt động, công tác giám sát chuyên đề của Thường trực và các ban HĐND tỉnh Kiên Giang gặp một số khó khăn, vướng mắc: Một số đơn vị chịu sự giám sát không làm báo cáo hoặc báo cáo trễ hạn, báo cáo không đạt yêu cầu, hoặc sao chép lại báo cáo của đơn vị khác. Kết luận của Thường trực, cũng như báo cáo giám sát của các ban HĐND tỉnh, một số nội dung kiến nghị cơ quan chịu sự giám sát lại bỏ qua, không tổ chức thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 7 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Không có chế tài quy định cụ thể nếu các kiến nghị giám sát mà đơn vị không triển khai thực hiện, dẫn đến một số nội dung giám sát chất lượng sau giám sát không đạt yêu cầu.
Về nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân khách quan là các nội dung chuyên đề giám sát của năm sau do các ban đề xuất tại cuộc họp Thường tực HĐND tỉnh và kỳ họp HĐND giữa năm trước. Tuy nhiên, các đại biểu ít quan tâm nội dung này, nên có một số nội dung giám sát chuyên đề khi triển khai giám sát mới phát hiện những bất cập.
Mỗi năm có đơn vị có nhiều đoàn giám sát đến làm việc, riêng cấp huyện có từ 2 đến 3 đoàn giám sát của các ban HĐND hoặc Thường trực HĐND tỉnh. Ngoài ra còn có các đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang, của Trung ương, cá biệt có nội dung giám sát của Trung ương và của HĐND tỉnh trùng nhau. Dẫn đến đơn vị phải thực hiện nhiều báo cáo giám sát trong tháng, trong kỳ hoặc năm, tăng thêm nhiệm vụ mà đơn vị phải thực hiện. Một số kiến nghị qua giám sát có nhiều nội dung liên quan đến Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, thường chưa được phản ánh đầy đủ lên cấp thẩm quyền theo kênh chính thống.
Về nguyên nhân chủ quan, cơ quan chịu sự giám sát chưa xem trọng việc giám sát của các đoàn giám sát, chưa nhận thức hết tác dụng hai chiều của công tác giám sát mà cho rằng đó là gánh nặng, phải báo cáo, phải tiếp và làm việc và phải trả lời những câu hỏi mà đoàn giám sát đặt ra. Năng lực chuyên môn của một bộ phận không nhỏ cơ quan hành chính còn hạn chế, tâm lý sợ bị phát hiện những điểm sai phạm trong quá trình hoạt động hành chính nên báo cáo thiếu đầy đủ hoặc thiếu khách quan.
Đoàn giám sát của Ban Dân tộc, HĐND tỉnh Kiên Giang làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang và Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang về thực hiện Nghị định số 141/2020/NĐ-CP, ngày 8-12-2020 của Chính phủ về quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Ảnh: DANH THÀNH
Về phía cơ quan giám sát có những nội dung kiến nghị còn chung chung, khó thực hiện, một số kiến nghị phản ảnh về Trung ương chưa được chuyển tải theo một kênh chính thống để được tiếp nhận xử lý. Thành viên đoàn giám sát thường đông người, trong số đó có những người không có chuyên môn lĩnh vực giám sát, ủy viên các ban thường ít tham gia hoạt động của đoàn. Trưởng đoàn giám sát chưa phân công cụ thể từng thành viên trong đoàn giám sát nên chưa đề cao trách nhiệm cá nhân trong nghiên cứu, phản biện các nội dung giám sát một cách hiệu quả.
Quyết định thành lập đoàn giám sát có một vài thành viên chỉ ghi đại diện hoặc mời đại diện lãnh đạo cơ quan mà không ghi họ tên, chức danh cụ thể nên khi tiến hành giám sát có người đi, người không hoặc thay thế nhau trong quá trình giám sát thực tế, dẫn tới thành viên đoàn không nắm đầy đủ nội dung của toàn bộ lần giám sát.
Chưa áp dụng các chế tài mà luật pháp quy định giao cho các cơ quan giám sát như quy định tại khoản 4, Điều 7, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân (HĐND) tức là: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có hành vi cản trở hoặc không thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị của chủ thể giám sát thì chủ thể giám sát yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, chủ thể giám sát yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và người có liên quan”.
Chưa thực hiện khoản 1, Điều 25 của Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15, ngày 12-9-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là: “Theo dõi, đôn đốc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát: Ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND chủ động theo dõi, kịp thời đôn đốc cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát và báo cáo kết quả việc thực hiện đến thường trực HĐND”. Sau khi đề xuất, kiến nghị rồi rất ít quan tâm việc thực hiện của các cơ quan chịu sự giám sát, từ đó dẫn đến các cơ quan chịu giám sát cũng xem nhẹ trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ chịu sự giám sát từ cấp thẩm quyền.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh Kiên Giang làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang về việc thực hiện Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND, ngày 13-2-2021 của HĐND tỉnh quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh. Ảnh: CẨM TÚ
Để tiếp tục nâng cao chất lượng giám sát, xin đề xuất một số giải pháp:
Một là, xem xét, nghiên cứu kỹ nội dung chuyên đề giám sát. Ngay tại kỳ họp của Thường trực HĐND xem xét các nội dung chuyên đề giám sát, các thành viên Thường trực cần nêu cao vai trò, trách nhiệm, không chỉ nội dung giám sát của ban mình mà còn phải quan tâm, thảo luận, phân tích đến nội dung giám sát của các ban khác.
Hai là, quyết định thành lập đoàn giám sát, xây dựng kế hoạch và phân công trách nhiệm thành viên trong giám sát trực tiếp, qua báo cáo. Khi ban hành quyết định thành lập đoàn giám sát, thư ký liên hệ cụ thể họ tên, chức danh những người dự kiến đưa vào đoàn giám sát. Kế hoạch giám sát phải cụ thể, phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế hoạt động của ngành, đơn vị. Các nội dung, số liệu báo cáo theo kế hoạch đảm bảo đánh giá được kết quả, thực trạng, ưu điểm, hạn chế nguyên nhân (khách quan, chủ quan) và đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế đối với lĩnh vực giám sát, đồng thời đó cũng là cơ sở để đoàn giám sát xây dựng các báo cáo và đề xuất, kiến nghị.
Trước khi tiến hành giám sát thực tế, trưởng đoàn phân công cụ thể cho thành viên đoàn giám sát, ai giám sát nội dung nào? Nghiên cứu lĩnh vực gì? Thành viên nào nghiên cứu các báo cáo gián tiếp của đơn vị nào?... làm nền tảng đặt câu hỏi đối với đơn vị chịu sự giám sát trực tiếp, nhằm tránh những câu hỏi đặt vấn đề không đúng trọng tâm vào nội dung giám sát.
Ba là, theo dõi, nhắc nhở, đôn đốc cơ quan chịu sự giám sát thực hiện về các nội dung đã kiến nghị, kết luận. Thực hiện nghiêm chỉnh quy định Điều 7, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Điều 25 của Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong kết luận giám sát của thường trực hoặc trong báo cáo của các ban HĐND cần quy định thời gian thực hiện các kiến nghị. Sau 6 tháng hoặc 1 năm (tùy theo nội dung kiến nghị) cơ quan chịu sự giám sát báo cáo kết quả kiến nghị. Cần thiết thì có thể tổ chức giám sát lại, nếu cơ quan chịu sự giám sát tổ chức thực hiện không đạt hiệu quả.
Bốn là, tổng hợp nội dung kiến nghị qua giám sát đến các cơ quan Trung ương. Do đó sau giám sát hoặc định kỳ mỗi quý một lần, các kiến nghị phải được tổng hợp gửi đến các cơ quan theo 1 trong 2 hình thức chuyển thông tin đến Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh để đoàn phản hồi đến các cơ quan Trung ương; văn phòng tham mưu thường trực HĐND có văn bản cụ thể tổng hợp gửi các cơ quan Trung ương.
PHẠM BẰNG
(KGO) - Chiều 11-12, đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tiếp xúc cử tri TP. Phú Quốc. Cùng tiếp xúc cử tri TP. Phú Quốc còn có các đại biểu Quốc hội: Đỗ Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang; Nguyễn Danh Tú - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Đại tá Nguyễn Văn Hận - Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: