06/05/2025 18:29
Chị N.T.C, ngụ huyện Hòn Đất (Kiên Giang) vẫn chưa hết hoang mang khi kể lại câu chuyện suýt mất thêm 10 triệu đồng vì tin tưởng một “chuyên gia” hứa hẹn giúp lấy lại số tiền chị đã bị lừa trước đó.
Chị C cho biết cuối năm 2024, chị bị một đối tượng giả danh nhân viên nhà mạng liên hệ để hướng dẫn định danh SIM điện thoại và bị lừa mất hơn 5 triệu đồng.
Gần đây, chị tình cờ thấy một trang fanpage có tên “Công ty thu hồi - hoàn trả tiền treo” quảng cáo hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo nên chị liên hệ. Một người tự xưng là luật sư Phát kết bạn Zalo và nhắn tin trao đổi với chị. Người này hỏi thông tin liên quan đến vụ việc, sau đó nói đã nộp hồ sơ tố cáo của chị cho cơ quan chức năng.
Hàng loạt các trang fanpage và bài đăng quảng cáo dịch vụ thu hồi tiền bị lừa xuất hiện trên ứng dụng Facebook.
Những ngày sau đó, Phát liên tục cập nhật tiến độ xử lý hồ sơ, thể hiện rất nhiệt tình, nghiêm túc và hiểu biết pháp luật nên chị C càng tin tưởng.
“Khoảng một tuần sau, Phát gửi cho tôi bộ hồ sơ tố tụng hoàn chỉnh, kèm theo yêu cầu đóng án phí 10 triệu đồng. Tôi nói mình không sử dụng Internet Banking và muốn đến công ty gặp để cảm ơn và nộp tiền trực tiếp, nhưng Phát liên tục từ chối, khuyên tôi nhờ người quen chuyển khoản. Thấy nghi ngờ, tôi tra cứu địa chỉ công ty thì phát hiện đó là địa chỉ giả. Khi hỏi lại, Phát ấp úng một lúc rồi chặn liên lạc với tôi”, chị C kể.
Tương tự là trường hợp của chị P.T.T.L, ngụ huyện Gò Quao (Kiên Giang). Chị L từng bị lừa khi một đối tượng liên hệ hướng dẫn định danh điện tử mức độ 2. Trong lúc buồn bực vì mất tiền, chị L tình cờ thấy một trang fanpage của công ty luật trên Facebook nên đã nhắn tin nhờ hỗ trợ. Sau khi chị nhấn thích trang fanpage này thì một người tên Thu Hiền, tự xưng là nhân viên công ty tài chính, liên hệ để hướng dẫn chị lấy lại tiền. Sau đó, Hiền giới thiệu cho chị một người tên Quỳnh - xưng là luật sư phụ trách hồ sơ.
“Quỳnh gửi nhiều tin nhắn, video về các nạn nhân từng được giúp đỡ thành công nên tôi tin tưởng và cung cấp thông tin. Quỳnh nói quen biết rộng, có thể nhờ giải quyết sớm vụ việc và yêu cầu tôi đóng gần 8 triệu đồng án phí. Cô ấy còn hứa sẽ hoàn trả hơn 80% số tiền này sau khi xong việc”, chị L kể.
Vì không có đủ tiền nên chị L đóng trước 4 triệu đồng. Hai ngày sau, chị L liên hệ lại thì phát hiện Quỳnh đã chặn chị trên mọi nền tảng. Trang fanpage trước đó cũng không truy cập được nữa. Lúc này, chị L mới biết bị lừa.
Theo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), hiện không có cơ quan hay tổ chức nào ngoài lực lượng Công an có thẩm quyền hoặc khả năng giúp người dân lấy lại số tiền bị chiếm đoạt qua không gian mạng. Vì vậy, người dân cần bình tĩnh, không vội vàng tin theo các lời mời “hỗ trợ” mà nên chờ kết quả điều tra, xử lý từ cơ quan Công an.
Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP, hình ảnh, giấy tờ tùy thân cho người lạ qua mạng.
Người dân không nên truy cập các đường link lạ, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không tin vào các lời mời gọi đầu tư “lợi nhuận cao, không rủi ro” trên các sàn giao dịch ảo để tránh bị lừa đảo.
Bài và ảnh: TƯỜNG VI
(KGO) - Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, chỉ huy các lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:
Tổng số lượt truy cập: